Ông Djauhari Oratmangun, đại sứ Indonesia tại Trung Quốc, chia sẻ: "Chuyển đổi số đã được đẩy nhanh đáng kể trong thời kỳ đại dịch, thúc đẩy các thay đổi trong kinh doanh. Indonesia nỗ lực mở rộng nền kinh tế số để phục hồi xã hội và chuyển đổi số".
Kinh tế số là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, nhất là các công nghệ mới như 5G, IoT, Cloud... Theo Tiến sĩ Lê Quang Lan, Ban Thư ký ASEAN, sự phát triển của hệ sinh thái kinh tế số là một quá trình có sự tham gia tích cực của nhiều bên liên quan, bao gồm cả các khu vực tư nhân.
Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng đang đưa ra các lộ trình để cải thiện phạm vi phủ sóng kỹ thuật số, đảm bảo khả năng tiếp cận phổ biến đối với các dịch vụ kỹ thuật số để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai nền kinh tế số. ASEAN dự đoán nền kinh tế số sẽ đóng góp một nghìn tỷ USD vào GDP khu vực theo năm.
![Xây dựng kinh tế số giúp hạn chế sự ảnh hưởng do gián đoạn trong Covid-19.](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2021/07/30/CDS-1636-1627637056.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=l-kC2axmuO0JJElhByfrOw)
Xây dựng kinh tế số giúp hạn chế sự ảnh hưởng do gián đoạn trong Covid-19.
Jay Chen, Phó Chủ tịch Huawei châu Á - Thái Bình Dương, đánh giá nền kinh tế số đang hình thành trong khu vực sẽ giải quyết khả năng tiếp cận toàn diện với dịch vụ số, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quy mô khởi nghiệp và một nền kinh tế tuần hoàn, bền vững. Là một phần của hệ sinh thái, Huawei đang triển khai các kế hoạch kỹ thuật số trong ba lĩnh vực là kết nối ICT, trao quyền cho nhân tài và ươm tạo hệ sinh thái.
"Số hóa không chỉ là về tiến bộ công nghệ, mà việc trao quyền về chất lượng của số hóa cho công chúng nói chung là điều tối quan trọng nếu muốn đạt được sự gắn kết rộng rãi. Vai trò của chính phủ là cung cấp năng lực kỹ thuật số như một hàng hóa công cộng, nó có thể được bổ sung bởi các công ty ICT khu vực tư nhân như Huawei với kết nối chất lượng", Tiến sĩ Tan Khee Giap, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Singapore về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (SINCPEC), nói.
Trong khi đó, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, khẳng định Việt Nam đang ở giai đoạn bước ngoặt để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nền kinh tế cởi mở, tập trung hơn vào đổi mới sáng tạo và bền vững.
"Năm năm tới có thể chứng kiến khu vực ASEAN đạt được những bước tiến khổng lồ, hướng tới trở thành một xã hội kỹ thuật số, và sự chuyển đổi sẽ cho phép các quốc gia thành viên phục hồi nhanh hơn sau đại dịch", ông Jay Chen cho biết.