“Mày mà đã vào trong đó rồi thì đừng bao giờ đặt chân về cái nhà này nữa!”
“Con ơi là con, đang ở ngoài này yên ổn sao con lại vào đó? Xa nhà vậy con biết như thế nào? Những lúc gặp khó khăn ai giúp con? Còn các em ở nhà, ai dạy dỗ chúng?”
Đáp lại quyết định vào Nam lập nghiệp của anh là thái độ giận dữ của bố, những giọt nước mắt, niềm lo lắng của người mẹ và cả ánh mắt ngây ngô của đàn em nhỏ. Anh là con trai trưởng trong một gia đình có bốn anh chị em, là đứa cháu đích tôn của cả dòng họ Trần (dòng họ anh chỉ có hai đứa cháu trai), nên việc rời xa quê hương đi vào một nơi xa xôi để lập nghiệp quả là một quyết định khó khăn. Ngoài khoảng cách Bắc - Nam còn có sự khác biệt trong cách sống giữa hai miền tổ quốc. Anh không những phải đấu tranh nội tâm còn phải chịu rất nhiều sức ép từ phía gia đình, họ hàng và bạn bè. Bố anh nói “Con là con trai trưởng phải làm gương cho các em, con làm vậy các em học theo thì sao?”, mẹ anh thì rung rung nước mắt không nói nên lời, họ hàng lời ra tiếng vào “Nó học ngoài này suốt thì phải cho thi ngoài này chứ”, bạn bè thì có đứa động viên “Cố lên mày. Tao biết mày làm được”, có đứa thì nói “Thôi, học ngoài này có sao đâu, vào trong đấy xa xôi”.
Tuy nhiên anh đã quyết, anh vào TP HCM và lập nghiệp tại nơi ấy. Ngày anh đi, một ngày đầu thu ấm áp. Hành trang anh mang theo là sách vở, kiến thức, là ước mơ, là trái tim đầy nhiệt huyết tuổi mười tám, là bao gạo mẹ bắt anh cầm theo vì sợ “Vào đó lấy gì mà ăn, con cứ cầm đi”. Đó còn là lời hứa với những đứa em “Khi nào anh về nhớ mua quà cho em”, là những giọt nước mắt lăn dài trên gò má khắc khổ của mẹ và có cả ánh mắt buồn dõi theo của người cha phía sau mái hiên.
Nuốt nước mắt vào lòng, anh đến với Sài Gòn - một thành phố xô bồ, tấp nập, hiện đại và nhiều cơ hội cho những ai chịu khó tìm kiếm. Thế nhưng, Sài Gòn không bình yên như quê nhà. Vấp ngã đầu đời, “trượt đại học”, ba chữ ấy như một tiếng sét ngang tai anh, anh đứng yên và chết lặng. Anh làm bố buồn, mẹ buồn, dòng họ thất vọng. Cũng phải thôi, với quan niệm của những người miền Bắc, đại học là cách cửa duy nhất để đi đến thành công. Vậy mà giờ đây, cách cửa này đổ sụp ngay trước mắt anh. Bàng hoàng nhưng anh không cho phép mình gục ngã, anh cố gắng vượt qua những lời đe dọa từ bố, lời năn nỉ của mẹ và cả những lời nói của dòng họ, anh tiếp tục bám trụ ở thành phố với lý do học trường Cao đẳng Giao thông Vận tải 3. Đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn, thử thách đối với anh.
Dạo ấy, anh ở ký túc xá của một trường thủy sản bên quận 6, anh vừa đi học, vừa đi ôn thi và đi làm nuôi bản thân. Những trưa hè nóng oi ả, sau khi học chính khóa trên trường về anh lại song hành cùng chiếc xe đạp của mình trên những con đường đầy khói bụi, ôtô, còi xe… của thành phố để đến trung tâm luyện thi trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Chiều về, anh lại chạy đi làm thêm. Từ ngày anh vào Nam, anh đã không nhận bất cứ sự trợ giúp về tài chính của gia đình. Mãi sau này trong một lần về thăm nhà, bố anh đã nói với anh rằng: “Con tưởng bố không gửi tiền cho con thật à? Lúc đấy bố giận, bố nói thế để thử lòng con thôi chứ bố mẹ nào mà không thương con chứ?”.
Anh sống trên Sài Gòn, để tự nuôi chính mình, anh đã làm rất nhiều nghề, từ bảo vệ siêu thị, phục vụ nhà hàng, quán nhậu cho đến rửa chén cho cantin trường anh đều làm cả. Anh đã học và tiếp thu những quan niệm sống cho thích nghi với môi trường trong miền Nam, mà vẫn giữ được những chất Bắc trong người anh. Anh sống bằng nghị lực, ước mơ và những đồng tiền từ chính đôi tay anh làm ra; bằng nỗi tủi nhục, mồ hôi, nước mắt và cả máu. Anh học đến giữa năm nhất thì quyết định nghỉ hẳn để tập trung ôn thi đại học, anh giấu tất cả mọi người về việc anh thi lại đại học. Nhưng, một lần nữa, số phận không mỉm cười với anh.
Lần thứ hai, anh lại trượt đại học, giấc mơ bước chân lên giảng đường của anh một lần nữa tiêu tan. Anh suy sụp, bố mẹ cũng đã thôi không hy vọng vào anh nữa. Anh có hai sự chọn lựa cho cuộc đời mình: về quê hoặc là trong Nam học tiếp. Và cuối cùng, bất chấp mọi khó khăn có thể đến với mình, anh chọn vào học ở một ngội trường cao đẳng về xây dựng. Cuộc sống bươn chải một năm qua đã cho anh biết rằng cơ hội chỉ đến một lần và anh phải nắm lấy nó. Anh nhận ra rằng, cùng là một cái đích đến nhưng có rất nhiều con đường để đi. Anh không thể đi con đường đẹp, rộng và ngắn thì anh có thể chọn con đường khác, có thể nó xa hơn, khó đi hơn và tất nhiên sẽ tốn nhiều thời gian hơn, nhưng nó đều dẫn đến một điểm đến duy nhất là thành công.
Ngay từ những ngày đầu đi học, anh đã là một trong những sinh viên xuất sắc của lớp. Với quan điểm “học đi đôi với hành”, nên ngay từ khi kết thúc năm nhất anh đi làm. Ngày ấy anh còn là cậu sinh viên năm nhất chưa có tay nghề, đến công trường nào người ta cũng từ chối đây đẩy. Chính vì thế anh bắt đầu sự nghiệp của mình bằng những công việc khó khăn, vất vả nhất của ngành xây dựng là phụ hồ, thợ xây, thợ điện, cắt sắt… Với sự ham học hỏi, anh đã nhanh chóng học được những nghề khác nhau liên quan đến xây dựng, dần anh được tin tưởng và trở thành quản lý cho một công ty xây dựng có tiếng dù chưa ra trường.
Bây giờ, anh đã ra trường, có một công việc ổn định, có một tình yêu đẹp với một cô gái người miền Nam sau bao năm kiếm tìm. Đó là một thành quả tất yếu anh phải nhận được sau những nỗ lực gạt bỏ định kiến “Học ở đâu thì thi ở đấy” của người miền Bắc, anh đã bỏ hết cái “tôi” cá nhân vốn có của những người con trai trưởng miền Bắc. Hơn hết đó là thành quả của việc anh đã ước mơ và dám thực hiện ước mơ của chính mình.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân aViệt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Nông Thị Thảo