Hà Mạnh Tuấn (Tony Hà) đang sống và làm việc tại Hà Nội, là Trưởng ban Đối tác Chiến lược của SVDCA - Hội Truyền thông số Miền Nam. Ngoài ra, anh còn là diễn giả, giảng viên, cố vấn doanh nghiệp mảng Digital Marketing (tiếp thị kỹ thuật số).
Là một người chú trọng chăm sóc sức khỏe chủ động, Tuấn ăn uống khoa học, chăm chỉ luyện tập cả sức bền, cơ bắp và chánh niệm. Anh thường xuyên tham gia các giải chạy và từng chinh phục cột mốc 42 km (full marathon). Ngoài ra, Tuấn còn đi bộ; bơi; tập các bài chống đẩy, HIIT, Tabata, thiền, khí công... để khỏe cả thể chất lẫn tinh thần.
Đầu tháng 5, Tuấn bỗng xuất hiện dấu hiệu khó thở tăng dần. Thấy tình trạng ngày càng nghiêm trọng, mẹ giục anh đến viện kiểm tra.
Ngày 18/5, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bác sĩ chẩn đoán Tuấn bị tràn dịch màng phổi, u hạch thượng đòn, u hạch trung thất, yêu cầu nhập viện. Cùng lúc đó, bác sĩ mời anh ra ngoài, đề nghị bố anh ở lại trao đổi riêng.
Là người hiểu biết và nhạy cảm, Tuấn suy đoán bệnh tình trầm trọng hơn những gì bác sĩ nói với anh, lập tức chuẩn bị tinh thần đón nhận tình huống xấu nhất, đó là bị ung thư giai đoạn cuối. Anh cho rằng bản thân luôn biết hy vọng những điều tốt đẹp nhất, nhưng cũng sẵn sàng chờ đợi những điều xấu nhất.
Đó cũng là lý do anh đề nghị được thông báo sự thật về căn bệnh. Các kết quả sinh thiết cho thấy người đàn ông mắc u Lympho Hodgkin (một trong hai loại chính của ung thư hạch), giai đoạn 4, khối u dài 16 cm.
Lympho Hodgkin là một trong những bệnh ung thư đặc trưng bởi sự tăng sinh tế bào ác tính xảy ra trong một hoặc nhiều hạch bạch huyết. Điển hình là u xuất hiện ở một hạch bạch huyết rồi sau đó lan dần theo thứ tự đến các hạch khác, lách, gan và tủy xương. Bệnh có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và người bệnh đáp ứng tốt với các phương pháp chữa bệnh như hóa trị, xạ trị. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), tỷ lệ sống sau 5 năm đối với bệnh nhân mắc bệnh lymphoma Hodgkin giai đoạn một là 91%, giai đoạn 4 là 81%.
"Tôi sốc nhưng chỉ bị sốc 4-5 giây, rồi bình tĩnh lại ngay", Tuấn kể. Anh cho rằng tinh thần chiếm 80% thành công trong cuộc chiến chống bệnh tật, vì thế, cần giữ vững tinh thần lạc quan, dũng cảm, và bình thản chờ đón bệnh.
Ngoài ra, Tuấn biết bản thân bệnh nặng nhưng cho rằng vẫn còn nhiều hy vọng vì tìm hiểu thấy bệnh có khả năng chữa khỏi cao. Sức khỏe thể chất và tinh thần của anh cũng tốt so với rất nhiều bệnh nhân ung thư khác.
Một nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy việc chẩn đoán ung thư ngay lập tức làm đảo lộn cuộc sống của bệnh nhân và gia đình, khiến họ phải chịu đựng nặng nề về tâm lý và tình cảm. 48% cảm thấy hoàn toàn hoặc một phần không hài lòng về cuộc sống của họ, 87% người bệnh buồn hoặc rất buồn.
Tương tự, nghiên cứu của Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) thực hiện trong 9 tháng, trên 264 bệnh nhân ở khoa Ung bướu, kết quả gần 58% người bị trầm cảm. Một bệnh nhân có thể cảm thấy mất kiểm soát cuộc sống do những thay đổi trong cơ thể. Họ đau khổ, lo sợ, nghĩ đến cái chết, hoặc những điều chưa biết phía trước, theo nhóm nghiên cứu của Bệnh viện 103.
Do đó, bên cạnh điều trị bằng phẫu thuật, hóa xạ trị, các bác sĩ cho rằng tâm lý lạc quan, tích cực chiếm vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi và khỏi bệnh.
Từ khi phát hiện bệnh, Tuấn luôn cố gắng sống trọn vẹn từng phút giây. Anh gác lại mọi công việc, dành hoàn toàn thời gian cho bản thân, gia đình và việc chữa trị.
Mỗi ngày, Tuấn duy trì lịch 10 phút tập Dịch cân kinh, 10 phút thở khí công và đi bộ trên 10.000 bước. Anh dành 30 phút để thiền, chánh niệm và 30 phút nghe pháp thoại của thầy Thích Nhất Hạnh. Đồng thời đều đặn tập luyện não bộ bằng app Peak 10 phút và đọc sách 30 phút hằng ngày.
Thời gian rảnh mỗi tối, Tuấn xem phim, thư giãn đầu óc. Những hôm nằm viện, anh dành hàng giờ chuyện trò vui vẻ cùng những người đến thăm, bệnh nhân, bác sĩ và điều dưỡng để tâm trạng thoải mái hơn.
Trên tinh thần "sống không chỉ cho riêng mình", Tuấn tìm hiểu về căn bệnh và chia sẻ những kiến thức, cách đối mặt với "thần chết" cho những người đồng cảnh ngộ trên mạng xã hội qua dự án "Nhật ký chiến thắng ung thư".
Anh hy vọng những người mắc bệnh hiểm nghèo như mình không còn bi quan và tự ti, sống khép mình. "Nhật ký không chỉ ghi lại hành trình vượt qua bệnh tật của tôi mà còn là động lực khích lệ để bệnh nhân thêm tin yêu cuộc sống", Tuấn nói, thêm rằng qua chia sẻ của bản thân, những người khỏe mạnh cũng có thêm được nhiều kiến thức phòng bệnh.
Chưa đầy một tuần đăng trên Facebook và LinkedIn, "Nhật ký chiến thắng ung thư" của Tuấn đạt hơn 234.000 lượt hiển thị trên toàn cầu và gần 20.000 lượt tương tác, trở thành nội dung về ung thư được nhiều người quan tâm nhất trên hai mạng xã hội này gần đây.
Thực tế, một số cách người mắc ung thư có thể áp dụng để vượt qua khủng hoảng tâm lý, gồm: nhìn thẳng vào sự thật; bày tỏ cảm xúc với người thân đáng tin cậy, tìm kiếm cộng đồng, nhóm hỗ trợ bệnh nhân ung thư; tham gia vào các hoạt động thể chất phù hợp hoặc thử các kỹ thuật thư giãn, chẳng hạn thiền, chánh niệm, thở, yoga, tìm kiếm các trải nghiệm tích cực...
Như trường hợp của Tuấn, sau khi chấp nhận sự thật, anh đã kiên cường điều trị. Người đàn ông bắt đầu đợt hóa trị đầu tiên vào chiều 17/6 tại Bệnh viện K - Cơ sở Tân Triều.
"Với tôi, một cuộc đời đáng sống là sống vì người khác", Tuấn cho hay, hy vọng dự án của anh sẽ góp phần tiếp sức mạnh cho bệnh nhân ung thư, giúp họ chiến thắng bệnh tật.
Ông Hà Mạnh Thắng, 64 tuổi, là bố Tuấn, cho biết khi nhận kết quả chẩn đoán bệnh của con, ông sốc và suy sụp. Song người bố nhanh chóng vực dậy tinh thần, động viên vợ phải mạnh mẽ, giữ gìn sức khỏe để cả hai có thể đồng hành cùng con trai chữa bệnh.
"Vợ chồng tôi cũng khuyến khích con hãy làm những điều mà con mong muốn để mang lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và xã hội", ông nói.
Việt Nam ghi nhận khoảng 182.000 ca mắc mới ung thư, 122.000 người chết vì bệnh này, mỗi năm. Tỷ suất mắc mới của Việt Nam xếp 91, song tỷ suất tử vong lại xếp 50 trên tổng cộng 185 nước. Những ung thư phổ biến nhất ở người Việt lại là loại có tiên lượng xấu như ung thư gan, phổi. Phần lớn người bệnh ung thư phát hiện ở giai đoạn muộn, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân nâng cao ý thức phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh, ăn uống hợp lý, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, bỏ thuốc lá, giảm rượu bia, tập luyện thể dục đều đặn... Tiêm vaccine phòng bệnh. Khám sức khỏe định kỳ hàng năm và đi khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường. Chủ động tầm soát ung thư sớm theo khuyến cáo về nhóm tuổi và nhóm nguy cơ.
Mỹ Ý