Mỗi lần nhìn lại các vết sẹo trên cổ tay, kết quả sau những cơn khủng hoảng tâm thần, Diệu, 29 tuổi, hiện là chủ một spa ở Đăk Lăk, thầm nhắc bản thân phải sống mạnh mẽ hơn, có công việc, tự chủ kinh tế. Nhưng đến cuối năm ngoái, giấc mơ này của cô mới thành hiện thực.
Trước đó, do không được chuẩn bị về tâm lý và tài chính "come out" (thuật ngữ chỉ hành động hoặc quá trình công khai xu hướng tính dục, bản dạng giới để được là chính mình), Diệu đã mắc bệnh trầm cảm nặng.
15 năm trước, khi học nội trú xa nhà, Diệu nhận ra bản thân có tình cảm với người cùng giới. Cô lấy hết dũng cảm nhắn tin cho mẹ: "Con thích con gái", song không được phụ huynh chấp nhận.
"Mẹ chỉ nhắn ba chữ 'Đừng đua đòi', còn ba thì chối bỏ, sau đó cắt liên lạc", Diệu kể lại, hai mắt đỏ hoe. Việc bị bố mẹ chối bỏ đã đẩy Diệu vào cảm giác căng thẳng, cô đơn, mất kết nối, bên cạnh tâm trạng giằng xé vì không làm trọn bổn phận làm con.
Từ đó, người phụ nữ bị khó ngủ, có đêm thức trắng, chợp mắt là ngủ mơ bị mắng chửi, chì chiết. Hàng loạt lời ra, tiếng vào như "bê đê", "thần kinh", "tâm thần", "tội đồ" khiến cô sống thu mình, không muốn nói chuyện với mọi người vì nghĩ bản thân có lỗi.
Buổi tối năm 2013, Thanh Diệu ngồi một mình trong phòng, chợt thấy con dao lam trên bàn, bất giác cầm lên cứa vào cổ tay. "Cứ như bị xui khiến", Diệu kể, thêm rằng thời điểm đó chỉ muốn chấm dứt cuộc sống để kết thúc đau khổ. Đến khi thấy máu chảy ra thành dòng, cô như thức tỉnh, òa khóc, được một người bạn đưa đi cấp cứu. Vết thương dài khoảng 4 cm, may mắn không nguy hiểm tính mạng.
Ba năm sau, cô chia tay mối tình đầu, gia đình liên lạc lại và khuyên cô lấy chồng. Thương bố mẹ, Diệu "yêu thử" song không thể gần gũi, thậm chí thấy sợ hãi khi yêu con trai. Thấy cơ thể gầy rộc, da xanh xao, tâm trạng chán nản, luôn suy nghĩ tiêu cực, Diệu đến bệnh viện khám, được chẩn đoán trầm cảm, duy trì phác đồ điều trị thuốc tâm thần kèm thuốc ngủ.
Việt Nam có khoảng 1,6 triệu người đồng tính, song tính và chuyển giới ở độ tuổi 15-59. Hiện chưa có nghiên cứu về tỷ lệ người gặp vấn đề tâm lý khi công khai, song hầu hết phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần và xu hướng ngày càng gia tăng.
Một khảo sát cấp quốc gia trên 35.000 người trẻ trong cộng đồng LGBTQIA+ năm 2021 ghi nhận 42% từng cân nhắc tự sát. Bác sĩ Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, cho biết những người LGBTQIA+ (viết tắt của Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender, Queer, Intersex, Asexual và các cộng đồng khác) phải chịu nhiều tổn thương và nguy cơ về sức khỏe tâm thần hơn so với dân số chung. Nhóm này bị phân biệt đối xử, lăng mạ và bạo hành thể xác ở gia đình, trường học, nơi làm việc nên nhạy cảm hơn, dễ trầm cảm hơn.
Đặc biệt, chuyên gia trị liệu Đặng Khánh An, nhà đồng sáng lập và giám đốc điều hành Touching Soul Center, người có nhiều kinh nghiệm làm việc với cộng đồng LGBT, nhận định "come out" là một cuộc đấu tranh tâm lý rất vất vả của người đồng tính, đặc biệt khi đứng trước gia đình.
Căng thẳng này là nhân tố làm khởi phát các vấn đề sức khỏe tâm thần, bởi đa phần người thân, nhất là cha mẹ sẽ khó lòng chấp nhận ngay, thậm chí nhiều trường hợp xung đột mạnh mẽ, đẩy người đồng tính vào tình thế bế tắc, tìm đến cái chết. Trong khi, sự chấp nhận và ủng hộ của cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng, nhất là với người đồng tính trẻ.
Mặt khác, khi người đồng tính phải che giấu thân phận, không được thỏa mãn nhu cầu sống đúng với con người thật, họ nguy cơ gặp các bức bối giới, dễ phát triển thành các rối loạn tinh thần khác như trầm cảm, lo âu.
Khi cuộc chiến với bệnh trầm cảm ngày càng dai dẳng, năm 2019, Diệu gặp Quỳnh Bích - vận động viên môn Kick boxing và võ cổ truyền, người sau này trở thành bạn đời của cô. Trái ngược với Diệu, Bích là người mạnh mẽ, sẵn sàng công khai danh tính, gạt bỏ mọi kỳ thị của xã hội. Thời gian sống chung, Bích luôn đưa ra lời khuyên, sẵn sàng là chỗ dựa để lắng nghe và giúp Diệu vượt qua những xáo trộn tâm lý. Từ đó, Diệu tìm thấy niềm vui, động lực sống, cười nhiều hơn. Cả hai quyết định xây dựng gia đình và thụ tinh nhân tạo để có con.
Để Bích an tâm tập luyện và thi đấu, Diệu tự nguyện là người mang thai. Do thể trạng gầy yếu, có u tuyến giáp, Diệu gặp nhiều khó khăn, phải liên tục đi bệnh viện kiểm tra. Thời gian này, gia đình Diệu tiếp tục phản ứng. Thay vì trách móc, cô cho bản thân và gia đình thời gian để đón nhận con người thật của mình.
Diệu bị nghén từ lúc mang thai đến khi lên bàn mổ, sút cân, phải nằm một chỗ hai tháng cuối để giữ con. Cuối tháng 10/2023, Diệu chuyển dạ, con trai 2,6 kg, chào đời an toàn. "Nghe tiếng con khóc, tôi vô cùng hạnh phúc và biết ơn Diệu đã mang nặng đẻ đau để biến tổ ấm thành hiện thực", Bích nói.
Từ khi có con, tình cảm hai người ngày càng khăng khít. Cậu bé như sợi dây kết nối kỳ diệu, làm động lòng bố mẹ Diệu, để ông bà chấp nhận sự lựa chọn của con gái và yêu thương Bích như con trong nhà.
Nói về kết cục có hậu của bản thân, Diệu mong xã hội ngày càng cởi mở để người đồng tính có thể sống tự tin và hạnh phúc, con cái họ cũng không nhận về sự kỳ thị. Cô khuyên những người muốn "come out" nên có kế hoạch, chuẩn bị tâm lý và tài chính vững vàng, tránh rơi vào trầm cảm gây hại bản thân cũng như gia đình.
Thùy An