Ban đầu, cô bỏ qua nó. Khi trở về Hong Kong, cơn đau ngày càng nghiêm trọng, Menon phải đến gặp bác sĩ.
Ở tuổi 42, cô được chẩn đoán mắc ung thư vú.
"Tôi đã nhìn thấy rất nhiều bệnh nhân ung thư. Lúc ấy đôi nghĩ rằng, trời ơi, đây đúng là bản án tử, là ngày tận thế", cô nói.
Tuy nhiên, hai năm sau, trải qua 8 đợt hóa trị, Menon hoàn toàn bình phục và không còn cảm thấy sợ hãi trong suốt quá trình chữa bệnh. Bí quyết nằm ở liệu pháp gây tê và phục hồi bằng chuyển động mắt (EMDR).
Luận án về EMDR lần đầu được Francine Shapiro, chuyên gia tâm lý và giáo dục tại Đại học New York, người từng mắc ung thư, giới thiệu 20 năm trước. Bà mô tả cách vượt qua chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) bằng hình thức di chuyển mắt từ trái sang phải, trong khi nghĩ về điều khiến bệnh nhân sang chấn.
Kể từ đó, các chuyên gia đã phát triển liệu pháp thành quá trình điều trị gồm 8 giai đoạn, bao gồm điều tra bệnh sử, chuẩn bị cho bệnh nhân, đánh giá, giải quyết vấn đề mẫn cảm,... EMDR có trong Hướng dẫn Lâm sàng Điều trị PTSD của Bộ Quốc phòng Mỹ và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị sử dụng cho bệnh nhân gặp tổn thương tâm lý.
Sau khi nhận chẩn đoán ung thư, Menon được giới thiệu với chuyên gia trị liệu Nivingita Ramanujam. Bà đã có 7 năm nghiên cứu và thực hành liệu pháp này.
"Dù tôi đã giúp đỡ các bệnh nhân phục hồi chức năng, nhiều người vẫn phải sống với nỗi sợ còn sót lại. Tôi đã từng rất nghi ngờ về EMDR, nhưng sau khi thử nghiệm, tôi nhận ra nó thực sự hiệu quả", bà nói khi được hỏi về lý do quyết định áp dụng kỹ thuật chuyển động mắt đối với bệnh nhân của mình.
Theo bà Ramanujam, phương pháp này có thể làm giảm hoặc xua tan những cơn khó chịu do các ký ức xáo trộn, dù là với người từng bị lạm dụng, ly dị hay mắc bệnh tật.
Quá trình trị liệu bắt đầu với việc ổn định cảm xúc, đảm bảo bệnh nhân có thể đối mặt và xử lý các ký ức đau khổ.
"Giai đoạn này giúp tôi lấy lại sự bình tĩnh, an tâm và chấp nhận bệnh tật. Tôi bắt đầu hình dung ra một chốn an toàn, nơi tôi thấy hạnh phúc và thoải mái. Tôi mường tượng đến bãi biển, với những con sóng và bờ cát", Menon kể lại.
Ngay sau đó, Tiến sĩ Ramanujam yêu cầu bệnh nhân nhớ về những điều tồi tệ, cảm xúc tiêu cực từng bị ám ảnh. Tiếp đến, bà hướng dẫn họ chuyển động mắt theo ngón tay của mình từ trái sang phải, thay đổi tốc độ dựa trên các hướng dẫn đặc trị.
"Tôi làm điều này cho đến khi người bệnh không còn cảm thấy sợ hãi nữa", bà nói.
Cuối cùng, người mắc ung thư có thể đối diện căn bệnh của mình với một cái nhìn tích cực hơn.
"Tôi hình dung mình đang nằm trên giường bệnh và được cắm tiêm truyền, sau đó lại tưởng tượng liều thuốc hóa trị chạy qua cơ thể. Lượng bạch cầu lympho T sẽ chỉ tấn công các tế bào ung thư, khiến các tế bào bạch cầu của tôi còn nguyên vẹn. Từ đó, tôi không còn cảm thấy tiêu cực nữa", Menon chia sẻ.
Nhờ liệu pháp EMDR, thay vì sợ hãi, cô gần như trông chờ đến các buổi hóa trị.
Đến nay, yếu tố sinh học dẫn đến sự hiệu quả của cách thức này còn chưa rõ ràng. Nhiều bác sĩ đa khoa tin rằng căn nguyên tình trạng sang chấn tâm lý là do giai đoạn ngủ REM với chuyển động mắt nhanh (chu kỳ giấc mơ xuất hiện) của các bệnh nhân thường bị gián đoạn.
"Liệu pháp EMDR mô phỏng lại chuyển động của mắt trong chu kỳ REM, giúp bệnh nhân xứ lý những nỗi lo lắng và những cảm xúc tiêu cực chưa được giải quyết", Tiến sĩ Ramanujam giải thích.
Menon hiện đã vượt qua 8 đợt hóa trị không chút lo lắng, sợ hãi. Giờ đây, cô bình phục hoàn toàn.
Thục Linh (Theo SCMP)