Tôi không dám chắc gia đình mình quy củ và nghiêm khắc, mà chỉ biết rằng, mấy chị em tôi, từ công việc đến hôn nhân, đều do một tay bố mẹ sắp đặt. Nhưng khi sinh ra, ông trời đã cho tôi tính bướng. Càng bị kiểm soát, tôi lại càng cố vùng vẫy để thoát ra, mang theo bên mình cả những vết thương đã chảy máu tự bao giờ…

Có lẽ ngày xưa, nhiều người quan niệm, văn chương là cái gì đó phù phiếm, chỉ dành cho người thích mơ mộng và bố mẹ tôi cũng vậy. Hầu như, ngoài sách giáo khoa và một vài cuốn nâng cao, bố mẹ không cho tôi tiếp xúc với bất cứ một nguồn sách báo nào khác. Nhưng cái gì càng cấm đoán, lại càng dễ gây tò mò. Và tôi cũng vậy. Nhờ học có tiếng trong trường, nên tôi được các thầy cô ưu ái nhiều, đặc biệt là thầy hiệu trưởng. Thay vì được mượn hai cuốn sách mỗi tuần, tôi được phép rinh về nhà bao nhiêu tùy thích. Và nằm trong căn gác nhỏ trên lầu, tôi ngấu nghiến ăn con chữ. Nhưng rồi tôi bị bố phát hiện. Bố bắt tôi mang trả hết sách, nếu không, sẽ đốt tất cả.
Rồi, cuốn sổ tay tôi mất bao đêm chép thơ Hàn Mặc Tử và Xuân Diệu lại bị mẹ phát hiện và ngay lập tức nó nằm trong bếp lửa đang cháy bập bùng. Tôi lại khóc vì bất mãn và thấy đau nhói trong lòng. Mẹ bảo: "Con gái theo nghiệp văn rồi sẽ khổ, ham gì ba cái thứ phù phiếm không có thật ấy". Bố đe: "Mày theo khối A cho tao, sau này không thi đậu vào trường kinh tế thì ở nhà lấy chồng". Chị gái khuyên tôi, làm thân phụ nữ, nên an phận thì hơn, đừng làm bố mẹ buồn lòng.
Suy nghĩ nhiều, tôi quyết định đầu tư cho các môn tự nhiên, để sau này thi khối A như cả nhà mong muốn. Tôi cố tình lơ là môn văn, cố tình gạt đi những cuốn sách cứ vô tình hiện lên trước mặt. Và tôi thi đậu trường Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội. Bố tôi vui, mẹ lại an lòng, anh chị khuyên tôi ráng học tốt mai này có tương lai. Tôi cười trừ, gật đầu và khăn gói lên Hà Nội thuê phòng trọ ở.
Ban đầu, tôi cố gắng học, nhưng càng tiếp xúc với những con số, tôi lại càng thấy mình lạc lõng, cảm thấy riêng mình một thế giới. Rồi như có gì thôi thúc, tôi lại tìm đến với những cuốn sách văn học như một cách để giải tỏa, để tìm lại chính mình. Một lần nữa, nhận ra mình đã sai lầm khi theo học một ngành mình hoàn toàn không thích thú, không đam mê. Một năm trôi qua, một năm luôn phải cố gắng trong sự chịu đựng, một năm đủ để tôi nhận ra đâu mới niềm đam mê thực thụ. Tôi làm hồ sơ thi vào trường Đại học Nhân văn TP HCM và lao vào học kiến thức lịch sử và địa lý, chuẩn bị cho kỳ thi đang tới gần.
Với số tiền ít ỏi còn lại, tôi mượn thêm bạn bè để đủ bắt một chuyến xe vào Nam, ở nhờ nhà của một người bạn trong hai ngày thi. Thi xong, tôi ở lại làm thêm lấy tiền về nhà và chờ kết quả. Ngồi trên xe, tôi nhớ lại những lúc trốn bố mẹ, đạp xe ra cánh đồng, đưa cả xe vào khuất trong rẫy ngô và ngấu nghiến đọc sách. Có những hôm, sợ bị phát hiện, tôi trèo lên cây phi lao đầu làng, nằm trên đó đọc sách, đến tối mịt mới về. Nhớ những hôm mưa gió, đạp xe cả hơn trăm cây số lên huyện, chỉ để chui vào một góc của quầy sách cũ, cố đọc thật nhanh, thật nhiều và tôi càng tin thêm mình đã làm đúng.
Không biết vì may mắn, hay vì đam mê của mình mà tôi đã cố hết sức, kết quả nằm ngoài mong muốn của tôi. Năm đó, tôi đậu thủ khoa với số điểm 24,5, riêng môn văn, tôi được 9 điểm. Lúc này, tôi mới thú thật với bố mẹ và tha thiết xin bố mẹ cho tôi được học trường Nhân Văn như tôi mong muốn. Cuối cùng, bố mẹ cũng phải chiều theo nguyện vọng của tôi, nhưng với điều kiện, tôi tự kiếm tiền lo học phí, bố mẹ sẽ không phụ cấp bất kỳ khoản nào hết. Vậy là tôi vào đại học lần hai. Vậy là tôi đến với một thế giới cho tôi cảm giác được là chính mình, được đeo đuổi niềm đam mê.
Vừa học, tôi vừa tranh thủ làm thêm, thời gian còn lại thì tập tành sáng tác. Mỗi lần hoàn thành được một truyện ngắn, hay một bài thơ, tôi hạnh phúc lắm, cảm giác giống như người phụ nữ vừa vượt cạn, làm trọn thiên chức người mẹ cao cả.
Giờ đây, tôi đã xuất bản một cuốn truyện ngắn, và tháng sau, cuốn thơ của tôi sẽ lại ra mắt độc giả. Tôi vui vì mình được là chính mình, được sống với đam mê thực thụ, và chứng minh cho bố mẹ thấy rằng tôi đang hạnh phúc với đam mê của mình. Tôi xứng đáng được bố mẹ ủng hộ.
Văn chương với tôi như là cái nghiệp mà tôi phải đeo đuổi, phải sống chết với nó trọn cuộc đời.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân aViệt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Ngô Thị Thúy Nga