Ngày 23/4/1989, một bé trai chào đời trong gia đình họ Vương ở Bắc Kinh, Trung Quốc, với cặp lông mày đậm và tiếng khóc rất to. Một lão nhân trong gia đình phán rằng cậu sau này sẽ trở thành một vị tướng quân, giống như danh tướng Thường Ngộ Xuân từng cùng Chu Nguyên Chương lập ra nhà Minh ở thế kỷ 14. Cậu bé sau đó được một vị đạo sĩ đặt tên là Thiên Nhất.
Người Trung Quốc thường bày biện nhiều vật phẩm trong ngày thôi nôi của một đứa bé, để dự đoán tương lai nghề nghiệp của chúng. Trong sinh nhật đầu tiên, Thiên Nhất đã tiến thẳng tới một bộ cờ tướng, giữ chặt và không chịu thả ra. Câu chuyện được kể trong tác phẩm Vương Thiên Nhất truyền kỳ, đăng trên trang Quan Kỳ Bất Ngữ ngày 30/12/2019.
Cờ tướng là môn truyền thống Trung Quốc, xuất hiện từ hàng nghìn năm trước và là một phần của nền văn hóa nước này. Ứng dụng đánh cờ nổi tiếng của Trung Quốc, Thiên Thiên Tượng Kỳ có tới hơn 1,2 tỷ tài khoản. Tuy nhiên, kỳ thủ cờ tướng không phải một nghề kiếm ra nhiều tiền, trừ khi lên tới hàng ngũ cao thủ thế giới.
Vì thế, gia đình ban đầu không khuyến khích Thiên Nhất theo nghiệp cờ tướng, nhưng cậu tự ghi danh vào một lớp học ở trường khi 6 tuổi. Trong một buổi đi chơi cùng bố mẹ ở công viên, Thiên Nhất thấy hai ông lão ngồi đánh cờ nên ngó vào xem rồi nói: "Pháo đổi sỹ là thắng, đỏ đi sót nước rồi". Bên đen thấy thế, liền lấy pháo đổi sỹ và sau đó thắng cờ.
Gia đình lập tức nhận ra năng khiếu cờ tướng của Thiên Nhất, nhưng cũng chỉ cho học ở nhà văn hóa hai tiếng mỗi tuần. Như số trời định, cậu tiến bộ không ngừng, liên tiếp vô địch trẻ quốc gia rồi đăng quang U16 toàn quốc năm 2005, và được phong cấp Đại sư (tương tự kiện tướng trong cờ vua).
Ở độ tuổi khi đó của Thiên Nhất, huyền thoại Hồ Vinh Hoa đã vô địch quốc gia. Nhưng Thiên Nhất ban đầu không hoàn toàn đánh cờ, mà vẫn tập trung học văn hóa để thi đỗ Đại học Bắc Kinh. Đến năm 2009, anh mới thực sự làm dậy sóng kỳ đàn với chiến thắng trước đương kim vô địch quốc gia Triệu Quốc Vinh - kỳ thủ còn có biệt danh "Đông Bắc Hổ".
Trong ván đấu này, Thiên Nhất dùng khai cuộc "tiên nhân chi lộ" khá lạ lẫm lúc bấy giờ, bằng cách đẩy tốt cột 7 (hoặc cột 3) ở nước đầu tiên. Nước cuối cùng của anh trong ván này cũng là pháo đổi sỹ, giống như lời mách nước anh từng dành cho hai lão nhân khi 6 tuổi. Chính ván đấu này đưa tên tuổi Thiên Nhất vươn tầm quốc gia, và đến nay vẫn còn được người hâm mộ nhớ tới.
Trung Quốc thống trị làng cờ tướng, khi có đại diện vô địch cờ tiêu chuẩn cá nhân thế giới 18 kỳ liên tiếp. Vì thế, vị trí số một ở đất nước này chẳng khác nào số một thế giới. Đăng quang một số giải ở Trung Quốc còn khó hơn vô địch thế giới, khi các kỳ thủ có năng lực đồng đều hơn những nước khác. Thiên Nhất đã bốn lần vô địch quốc gia năm 2012, 2016, 2019 và 2023, cùng ba lần lên ngôi thế giới năm 2013, 2017 và 2022.
Theo Elo cờ tướng, Thiên Nhất cũng đứng đầu Trung Quốc liên tiếp từ năm 2014 đến nay. Theo hệ số mới nhất năm 2023, anh trở thành kỳ thủ đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 2.800, kể từ khi áp dụng cách tính Elo năm 1982.
Chức vô địch quốc gia đầu tiên năm 2012 giúp Thiên Nhất được phong danh hiệu cao nhất: Đặc cấp đại sư. Nhưng trước năm 1983, chỉ những kỳ thủ ba lần vô địch quốc gia mới được phong danh hiệu này, vì người Trung Quốc có câu: "Quá tam ba bận".
Đến khi đăng quang năm 2019, Thiên Nhất mới được nhiều người thừa nhận Đặc cấp đại sư thực thụ. Kỳ đàn dành cho anh biệt hiệu "Ngoại Tinh Nhân" (người ngoài hành tinh), hay "Ngoại Tinh Lai Khách" (vị khách đến từ hành tinh khác), nhờ lối đánh toàn diện, khai cuộc linh hoạt đa biến, trung cuộc áp đảo và tàn cuộc giàu kỹ thuật. Anh có thể không phải kỳ thủ vĩ đại nhất mọi thời như Hồ Vinh Hoa với 14 lần vô địch quốc gia, nhưng sở hữu lực cờ hơn hẳn các kỳ thủ cùng thời như Trịnh Duy Đồng, Từ Siêu hay Vương Khuếch.
Thiên Nhất lắm tài, nhưng cũng nhiều tật và vướng nhiều thị phi. Tháng 9/2012, anh giả danh với tên "Vương Thiên Dịch" để tham gia một đại hội thể thao, để rồi vô địch và nhận lấy nhiều lời chỉ trích. Họ cho rằng anh không tôn trọng luật chơi và thiếu chuyên nghiệp.
Trước đó, Thiên Nhất đã bị vài cao thủ trong làng cờ nghi ngờ sử dụng phần mềm gian lận trong thi đấu, trong đó có chính Triệu Quốc Vinh. Bởi lúc thắng Quốc Vinh, Thiên Nhất mới 20 tuổi, lại tập trung học Đại học mà không chơi cho một CLB nào chuyên nghiệp.
Sau này, Thiên Nhất còn bị những Đặc cấp đại sư một lần vô địch quốc gia như Tôn Dũng Chinh hay Trịnh Duy Đồng nghi ngờ gian lận. Tuy nhiên, cũng có những huyền thoại bênh vực anh, như Hồ Vinh Hoa và Hứa Ngân Xuyên - hai kỳ thủ tổng cộng 20 lần vô địch quốc gia. Đến nay, việc Thiên Nhất có dùng phần mềm gian lận hay không chỉ dừng ở mức tin đồn vô căn cứ.
Tuy nhiên, trang Sina cho rằng Thiên Nhất nếu có gian lận cũng không nghiêm trọng bằng hành vi mua bán độ, khiến anh bị Liên đoàn Cờ tướng Trung Quốc (CXA) cấm thi đấu vĩnh viễn. Trang Sohu thậm chí giật tít: "Cái chết của một siêu sao", khi đón nhận thông tin này hôm qua 19/9.
Theo CXA, Thiên Nhất và đồng đội ở CLB Hàng Châu, Vương Dược Phi đã mua bán độ các ván cờ họ tham gia trong thời gian dài, với tần suất cao, số tiền lên 113.000 USD, gây tổn hại đến làng cờ tướng Trung Quốc. Hai kỳ thủ sẽ không bao giờ được phép tham gia các sự kiện do CXA hoặc các chi nhánh của họ tổ chức hay ủy quyền nữa. Hai người cũng bị tước danh hiệu Đặc cấp đại sư và Đại sư.
Trung Quốc đang đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng, và ngành thể thao cũng không phải ngoại lệ. Hôm 10/9, Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) đã cấm suốt đời 43 người tham gia dàn xếp tỷ số, hối lộ và đánh bạc trực tuyến, trong đó có các cựu tuyển thủ quốc gia và quan chức.
Động thái của CXA mới chỉ là đòn đánh đầu tiên vào Thiên Nhất, bởi anh còn đứng trước các cáo buộc hình sự, vì cảnh sát vẫn đang điều tra vụ việc. Chưa kể Liên đoàn cờ tướng thế giới (WXF) cũng có thể cấm thi đấu quốc tế với kỳ thủ 35 tuổi. Nghĩa là nếu nhập tịch nước khác, anh cũng khó có cơ hội tiếp tục sự nghiệp.
Trong cờ tướng, không có luật nào cho phép kỳ thủ đi lại. Nhưng Thiên Nhất đã mắc sai lầm nghiêm trọng và không còn cơ hội sửa sai, coi như mất trắng sự nghiệp vẫn ở đỉnh cao.
Xuân Bình