Tác phẩm ghi lại cảm nhận của đại sứ trong thời gian làm việc từ năm 2020 đến giữa năm nay.
Các mục được xếp theo thứ tự 20 chữ cái tiếng Anh - ngụ ý về những từ khóa làm nên sự thành công của Hà Lan, ví dụ: Adaptation (Thích ứng), Balance (Cân bằng), Circular Economy (Kinh tế tuần hoàn) để minh họa cho những nét nổi bật ở quốc gia này. Tác phẩm đi từ việc lý giải nguồn gốc lịch sử đến những thành tựu khoa học, kỹ thuật và nét đặc trưng văn hóa, xã hội của quốc gia này.
Bắt đầu từ tâm nguyện "phải tìm được nhiều nhất có thể những cái hay của bạn để mang về Việt Nam", tác giả đào sâu các sự việc để thấy tầm vóc và tính thực tế trong cách nghĩ, cách làm của người Hà Lan.
* Trích đọc phần A trong "Vương quốc Hà Lan"
Theo đại sứ, sự thịnh vượng của Hà Lan dựa vào nỗ lực và kinh nghiệm được đúc kết qua nhiều thế kỷ. Trong phần Cylcing (Đạp xe), tác giả chỉ ra xuất phát điểm của việc sử dụng xe đạp, từ đó mở rộng vấn đề hạ tầng, giao thông.
Sách có đoạn: "Hà Lan không phát minh ra xe đạp, nhưng hiện vẫn là nước dẫn đầu về sản xuất xe đạp tại châu Âu (1,1 triệu chiếc mỗi năm) với ba thương hiệu nổi tiếng là Gazelles, Batavus và Sparta. Hà Lan có gần 18 triệu dân nhưng có 23 triệu xe đạp. Chính phủ vẫn khuyến khích dân và bộ trưởng dùng xe đạp nhiều hơn nữa.
Xe nhiều nhưng hiệu sửa xe không nhiều như ở Việt Nam một thuở vì chất lượng xe và chất lượng đường sá rất cao, nên xe đạp ít khi hỏng, cả năm có khi không phải bơm hoặc sửa vặt. Chính phủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như bãi đậu xe, đường dành riêng và hệ thống chỉ dẫn bằng biển báo và trên mạng internet hoàn hảo đến mức đạp xe tại Hà Lan là nơi thoải mái, bổ ích, tiện lợi và an toàn bậc nhất thế giới".
Tác giả cho rằng người dân biết cách biến những điểm yếu thành lợi thế, trong nhiều hoàn cảnh khó khăn. Nơi đây thường xuyên có gió nhiều và mạnh, ít ngày nắng trong năm. Họ tận dụng thời tiết để phát triển hiệu quả công năng của cối xay gió để xay bột, bơm nước, phát điện.
Quốc gia này có nhiều nhà bác học, danh họa được thế giới biết đến như Jacobus Henricus van 't Hoff, Vincent van Gogh. Họ cũng phát minh ra kính thiên văn, sơn dầu, đĩa CD, DVD góp phần làm thay đổi ngành khoa học, công nghệ và nghệ thuật.
Ngoài việc giới thiệu tầm vóc quốc gia này, tác giả còn đề cập đến mối quan hệ với Việt Nam, thông qua một số chương trình phát triển kỹ thuật, xã hội. Theo đại sứ, Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam và Ủy ban Khoa học - Kỹ thuật vì Việt Nam là một trong những tổ chức từ thiện giúp đỡ Việt Nam nhiều nhất. Sự giúp đỡ của chính phủ cho thấy sự hợp tác phát triển hai nước, góp phần chuyển giao tri thức, kinh nghiệm.
Tác phẩm được nhiều nhà lãnh đạo đánh giá cao. Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, ông Cees van Baar, cho rằng cuốn sách là lời tâm sự chân thật của một người Việt kể về những cuộc gặp gỡ và trải nghiệm ở vùng đất xa xôi. Thị trưởng thành phố La Haye - ông Jan van Zanen - nhận xét tác giả có cái nhìn cởi mở về đất nước và con người, đồng thời sách là nguồn tư liệu góp phần vào việc phát triển mối quan hệ giữa hai nước.
Ông Phạm Việt Anh sinh ngày 27/7/1963 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Trường Hành chính công quốc tế tại Cộng hòa Pháp vào năm 1996. Từ năm 1987 đến năm 1996, tác giả là chuyên viên Viện Nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng thuộc Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Từ năm 1997 đến nay, ông là cán bộ Bộ ngoại giao, từng giữ các cương vị: Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Algeria Dân chủ và Nhân dân, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Pháp, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan từ 2020 đến tháng 8 năm nay.
Quế Chi