Phương, 36 tuổi cùng Đặng Thị Ngọc (vợ) và Bùi Quốc Khánh (bạn của Phương) trong cuối tháng 10 bị TAND Hà Nội xét xử về tội Cướp tài sản và Tổ chức đánh bạc. Nhận thấy bị cáo còn có dấu hiệu phạm tội Giết người hoặc Đe doạ giết người, HĐXX quyết định hoãn phiên toà, trả hồ sơ để tiếp tục điều tra.
Là nạn nhân song bà Trần Kim Thu, 52 tuổi, cũng bị truy tố về tội Đánh bạc.
Cáo trạng xác định, ngày 3/12/2019, vợ chồng Phương tổ chức cho bà Thu đánh bạc qua tin nhắn điện thoại dưới hình thức nhận số lô, số đề với giá đề 75% và lô 22.000 đồng cho một điểm, tổng cộng hơn 341 triệu đồng.
Theo kết quả xổ số tối hôm đó, bà Thu thắng 59 triệu đồng. Trừ vào tiền nợ ghi đề, tổng cộng, bà nợ Phương 282 triệu đồng tiền đánh bạc nhưng khất lần. 17h40 ngày 8/12/2019, vợ chồng Phương mang con dao mèo và hai lít xăng, rủ Khanh đến đòi tiền. Ngọc đứng ngoài đợi, Khanh và Phương vào nhà gặp bà Thu.
Khi gia chủ xin khất nợ, Phương bực tức, cầm cốc thuỷ tinh ném song không trúng. Phương sau đó đổ 1/3 can xăng ra cửa doạ đốt và dúi đầu bà Thu xuống sàn, cầm dao uy hiếp. Dù Khanh can ngăn, Phương tiếp tục lấy số xăng còn lại hất vào người nạn nhân, ép viết giấy hẹn trả nợ và giấy bán nhà.
Ngay sau khi chủ nợ rời đi, bà Thu đến cơ quan công an trình báo. Ba ngày sau, Phương và Khanh lần lượt đi đầu thú.
Theo luật sư Vũ Tiến Vinh, Công ty luật Bảo An, Hà Nội, vay nợ là giao dịch phổ biến, song khi không trả được tiền, chủ nợ nên có cách hành xử hợp lý, tránh vi phạm pháp luật. Trước hết chủ nợ cần tự xác định hoặc nhờ người có chuyên môn tư vấn việc con nợ không trả nợ là "có dấu hiệu hình sự hay chỉ là tranh chấp dân sự thông thường".
Theo điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung), nếu người vay dùng thủ đoạn gian dối để vay tiền thì có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ví dụ, khi vay đưa tài sản (vàng bạc, đá quý, đồ cổ...) để làm tin nhưng thực chất tài sản đó là đồ giả. Vì tin tưởng tài sản này là thật, chủ nợ mới giao tiền.
Trường hợp dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến cố tình không trả, người vay có dấu hiệu phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo điều 175 Bộ luật Hình sự.
Nếu con nợ có một trong các hành vi nêu trên, chủ nợ cần tố cáo hành vi phạm tội của con nợ tới cơ quan công an có thẩm quyền để xem xét trách nhiệm hình sự của bên vay. Trường hợp này, con nợ không những vẫn phải trả nợ mà còn đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, luật sư Vinh tư vấn.
Khi con nợ không có một trong các hành vi nói trên, việc vay chỉ là giao dịch dân sự. Nếu có tranh chấp, chủ nợ có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu tòa án xét xử, buộc con nợ phải trả lại tài sản vay.
Sau khi tòa ra bản án, chủ nợ có quyền yêu cầu cơ quan thì hành án dân sự ra quyết định thi hành. Con nợ không tự nguyện thi hành có thể bị cưỡng chế. Tuy nhiên, nếu họ không có tài sản gì (không có hoặc có nhưng đã tẩu tán) thì việc thi hành án rất khó khăn, không khả thi.
Tránh việc đòi nợ dẫn đến vi phạm pháp luật hình sự, chủ nợ không được có một trong các hành vi sau:
Nếu dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công (con nợ, người thân của con nợ...) lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, chủ nợ có thể phải đối mặt với tội Cướp tài sản (điều 169 Bộ luật Hình sự 2015).
Nếu đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác (chưa đến mức làm cho người bị đe dọa lâm vào tình trạng không thể chống cự được) nhằm chiếm đoạt tài sản, chủ nợ có dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản (điều 170)
Với hành vi bắt cóc con nợ hoặc người thân của con nợ để đòi nợ, chủ nợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (điều 169).
Chủ nợ có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của con nợ hoặc của người thân của con nợ thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác (điều 155). Dù tội này ít nhiêm trọng hơn các tội trên nhưng hình phạt tối đa cũng đến 5 năm tù.
Thanh Vân