![]() |
Đạo diễn Vương Đức. |
- Cả 2 bộ phim đầu đều dựa trên cốt truyện của nhà văn rất nổi tiếng Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Huy Thiệp. Anh không ngại người ta nói là ăn theo sự nổi tiếng của người khác sao?
- Tại sao lại phải sợ tiếng bấc tiếng chì của những người không am hiểu nghệ thuật? Nếu tôi làm phim không hay thì người ta nói tôi bất tài chứ không nói những nhà văn kia bất tài. Ngược lại, nếu tôi làm phim hay thì đây là phim của tôi còn truyện ngắn vẫn là của các ông ấy cơ mà.
- Nhưng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có nói Vương Đức hơi hèn. Khi làm phim "Những người thợ xẻ" đã không dám bảo vệ quan điểm của nhà văn cũng như của chính đạo diễn?
- Anh Thiệp nói thế là không đúng. Có thể vì anh ấy không chứng kiến những buổi tôi phải đứng lên nói khản cả cổ để bảo vệ từng chi tiết nhỏ của phim. Mặt khác, tôi từng nói với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp rằng nếu diễn cốt truyện của anh thành phim thì chỉ được độ 15 phút là cùng. Tôi phải gắn thêm ý tưởng bảo vệ môi trường vào đó nữa thì phim mới qua được cửa xét duyệt". Tôi tự thấy mình đã xây dựng thành công hình tượng người nông dân thời kỳ đầu đổi mới.
- Nghĩa là Vương Đức thừa nhận nhân vật Bường, Ngọc... của mình khác với nhân vật Bường, Ngọc của Nguyễn Huy Thiệp?
- Khác chứ, ít nhất là tôi đã đẩy nhân vật của mình đến gần cuộc sống thực của những năm 1999-2000 hơn anh Thiệp. Tôi cũng chọn bối cảnh diễn ra trong rừng sâu nơi con người ta ứng xử với nhau bằng luật rừng chứ không phải luật pháp. Điều này cho phép nhân vật của tôi bộc lộ trọn vẹn nhất bản tính người cũng như thú tính hoang dã của họ. Khi chiếu ở Paris, tờ báo Le Monde đã bênh vực bộ phim này như sau: "Có nhiều yếu tố bạo lực đẫm máu nhưng tiềm ẩn trong đó là khát vọng sống mãnh liệt của con người".
- Trong hai bộ phim "Cỏ lau" và "Những người thợ xẻ" thì anh yêu bộ phim nào hơn?
- Tôi rất yêu bộ phim truyện đầu tay Cỏ lau vì nhiều lẽ. Trước khi Cỏ lau giật giải Ngọn đuốc vàng (giải cao nhất của Liên hoan phim các nước không liên kết tổ chức tại Bình Nhưỡng năm 1994) thì tôi chỉ là thằng đạo diễn vô danh tiểu tốt, phải làm đủ thứ việc không ra gì để kiếm miếng ăn qua ngày. Sau khi giật giải, thiên hạ mới biết đến tôi, nói về tôi như một hiện tượng độc đáo trong làng phim truyện. Cái danh hão nó khiếp đến thế đấy. Về chuyện này thì tôi phải cảm ơn cố nhà văn Nguyễn Minh Châu. Có thể nói rằng ông đã sinh ra tôi lần thứ hai.
Tôi là người không tham gia chiến tranh nên hiểu về chiến tranh và hậu chiến khá lơ mơ nhưng khi đọc Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu thì dựng cả tóc gáy. Thân phận con người như được tạo ra bởi những điều vô nghĩa và đau khổ của chiến tranh. Đây là câu chuyện có thật của chính ủy trung đoàn 48, tham gia đánh thành cổ Quảng Trị. Cả trung đoàn bị xóa sổ chỉ còn sót lại có ba người. Cuộc chiến kết thúc, người chính ủy trở về thấy vợ mình đã lấy chồng mới, con và bố mình đang sống trong gia đình mới của vợ. Nỗi đau ấy chỉ là bề ngoài, ai cũng nhận thấy nhưng Nguyễn Minh Châu tài năng hơn nhiều. Tôi thấy nước Mỹ xuất hiện hội chứng MIA (người Mỹ mất tích trong cuộc chiến tranh VN) trong khi lính Mỹ mất tích rất ít. Tôi đã vào Quảng Trị và thấy những nghĩa địa trải dài hun hút trong hoàng hôn nhập nhoạng, đã thấy cỏ lau mọc ngút ngàn và xanh tốt không đâu bằng. Người ta bảo cỏ lau ở đây ăn xương tủy người chết nên mới tốt ma quái như thế. Nhưng tôi không thể hiểu được một điều đơn giản là tại sao chúng ta không có hội chứng mất tích như người Mỹ? Chúng ta thờ ơ quá, ghẻ lạnh quá trước những mất mát không thể đền bồi.
- Anh từng nói rất khôi hài rằng anh làm đạo diễn chỉ là phụ còn chạy chọt qua mọi khâu mọi cửa để được làm phim truyện mới là chính. Có thể hiểu điều này như thế nào?
- Một bộ phim truyện nhựa bây giờ chỉ được duyệt chi có bảy tám trăm triệu đồng, nếu không chạy chọt thì có mà ra... phim truyền hình à? Tôi vừa làm xong Của rơi với vốn liếng chỉ có 700 triệu đồng, thiếu khoảng 30% nữa mới đủ. Nhiều hôm họp bàn trên Cục Điện ảnh, tôi đã gào lên rằng: Tôi chịu làm ba kiếp chó để làm phim: kiếp chó thứ nhất là chạy vạy cho kịch bản được duyệt, kiếp chó thứ hai là xin kinh phí làm phim, kiếp chó thứ ba là làm phim xong thì chẳng ai thèm xem. Tôi tình nguyện làm ba kiếp chó chỉ xin các ông các bà cho tôi thêm 50 triệu đồng để hoàn thành phim Của rơi. Kêu đến thế thì ai cũng thấy vấn đề, ai cũng cười nhưng chẳng ai ký giấy cho tôi 50 triệu đồng đâu. Tôi lại phải xin xỏ ở những nơi không liên quan gì đến nghệ thuật cả.
- Khổ thế sao anh không làm nghề khác?
- Tôi từng đi buôn, từng làm nhiều nghề nếu nói ra thì xấu hổ và nói thật là tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn làm phim truyện nhựa. Nhưng chỉ có làm phim thì tôi mới thấy sướng thôi. Ra nước ngoài, người ta biết tôi làm phim từ truyện của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp thì nể tôi lắm. Thế chả đủ sướng hay sao. Bây giờ thì tôi có ít tiền bỏ lọ rồi, nếu hai hoặc ba năm nữa không được làm phim thì vẫn có cái để sống.
(Theo Nông Thôn Ngày Nay)