Thứ năm, 19/9/2024
Chủ nhật, 6/12/2020, 05:00 (GMT+7)

Vườn trái cây trên sân thượng 25 m2

TP HCMDù sân thượng khá nhỏ nhưng vợ chồng chị Ngọc Trân đã trồng được hơn chục loại cây ăn quả và các loại rau, đủ ăn quanh năm cho cả gia đình.

Chị Lê Thị Ngọc Trân, 39 tuổi, ở quận Phú Nhuận đã có kinh nghiệm 9 năm trồng rau trên sân thượng. Bốn năm trước, sau khi sửa nhà, vợ chồng chị quyết định sẽ trồng thêm những loại cây ăn trái.

"Vườn nhỏ chỉ 25 m2 nên khi quyết định trồng cây ăn trái, tôi chỉ trồng mỗi loại 1 - 2 cây. Đến nay vườn nhà đã có hơn 10 loại như táo, cóc, đu đủ, ổi, nho...", chị Ngọc Trân cho biết.

Để trồng cây ăn trái, cần những chậu lớn chứa nhiều đất. Ban đầu chị thuê người vác những bao đất lên sân thượng trên tầng ba, nhưng chỉ vác được một bao thì họ bỏ cuộc. Không còn cách nào khác, vợ chồng chị phải tự làm.

"Vợ chồng phân công nhau, mỗi người vác lên một lầu, người này khiêng người kia nghỉ. Sau này khi ổn định rồi, thỉnh thoảng mới cần bổ sung đất nên đỡ vất vả hơn", chị kể.

Vợ chồng chị thường chăm vườn buổi tối vì ban ngày bận đi làm. Họ dành nhiều thời gian cho mảnh vườn vào cuối tuần. Chị Trân sẽ làm những việc như trộn đất, bắt sâu, ươm cây, còn chồng chị thì cắt, ghép cành, gia cố giàn... Để tiết kiệm thời gian, họ làm hệ thống tưới tự động.

Hai gốc táo của vợ chồng chị năm nay thu hoạch được hai vụ, mỗi vụ hơn 30 kg. Để táo sai trái, sau khi thu hoạch vụ đầu, chị "đốn phớt" - cắt sơ cành. Đến vụ thứ hai thì "đốn đau" - cắt hết cành để cây ra cành mới thì vụ kế tiếp mới ra trái nhiều.

Lần đầu trồng nho, chồng chị Trân mua nhầm giống nho dại nên không ra trái. Sau đó, họ đặt mua giống uy tín ở Ninh Thuận. Mặc dù nho là loại cây khó trồng nhất, nhưng do chịu khó học kỹ thuật, giàn nho của họ đều ra trái sau mỗi lần cắt cành, liên tục cả năm. Chinh phục được loại quả khó trồng nên hiện nay chị Trân đang trồng cùng lúc ba giống nho.

Năm nay, chị Trân hào hứng khi cây chuối đã trổ buồng. "Trái chín dần trên cây bẻ ăn ngay rất thích. Chuối nhảy cây con nhiều nên mình không cần phải đầu tư mua giống cho đợt sau", chị Trân cười.

Từ nhiều năm nay, mảnh vườn nhỏ của chị cung cấp đủ rau trái cho gia đình ăn mỗi ngày. Có lần, giàn dưa leo của chị trĩu trái đến nỗi sập giàn, sau đó chị thu hoạch được gần 50 kg.

Rau, cây ngắn ngày cũng được luân canh nhiều loại, trồng vừa đủ ăn. Mỗi sáng, chị Trân thường lên vườn thu hoạch rau trái rồi mới đi chợ mua thêm thịt cá.

Vào mùa mưa, những loại rau như cải, xà lách thường bị úng nên chị Trân tập trung trồng nhiều loại như bầu bí, mướp, các loại dưa... "Mỗi loại một vài gốc những tới lúc thu hoạch gia đình không ăn xuể phải đem cho", chị Trân cho biết.

"Niềm vui của mình là những lúc lười đi chợ hoặc giữa bữa cần thêm các loại rau gia vị thì mảnh vườn luôn đáp ứng đủ", chị nói.

Chị Trân tâm sự, kể từ lúc vợ chồng chị cùng làm vườn, họ dễ dàng chia sẻ với nhau những điều trong cuộc sống hơn. Thậm chí, mảnh vườn còn là nơi kết nối tình cảm vợ chồng trong những lần "chiến tranh lạnh".

"Có lần mình giận ông xã không muốn nói chuyện. Anh ấy ở trên sân thượng gọi điện giục lên thu hoạch quả chín. Vì háo hức nên mình đi lên, hai người bàn luận một hồi thì hết giận", chị Trân chia sẻ.

Không chỉ gắn kết tình cảm hai vợ chồng mà những đứa con của chị cũng rất thích được lên vườn cùng bố mẹ để thu hoạch thành quả. Ngoài gia đình chị thì gia đình nhỏ của người em cùng chung sống cũng rất thích mảnh vườn. Em dâu của chị Trân cũng thường cho con gái lên vườn chơi vào mỗi buổi chiều.

"Ở trung tâm thành phố nên việc tạo được một khoảng xanh mát mẻ ngay trong nhà mình là điều không hề dễ", chị Ngọc Trân nói.

Diệp Phan

Ảnh: Nhân vật cung cấp