Trong bài đăng trên mạng xã hội ngày 31/7, vườn thú thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, nói rằng gấu chó từ Malaysia thường nhỏ hơn những con gấu khác và trông khác biệt, nhưng là thật.
"Một số người nghĩ tôi đứng như thể con người. Có vẻ các bạn không hiểu rõ về tôi", bài đăng được viết theo góc nhìn của con gấu cho hay.
Nhân viên tổng đài của vườn thú cho biết cơ sở đã bố trí để phóng viên đến vườn thú thăm con vật.
Người dùng mạng đặt nghi ngờ vườn thú Hàng Châu để người đóng giả gấu chó sau khi video được chia sẻ rộng rãi tuần trước cho thấy con vật đứng bằng hai chân sau trên vách đá và giao tiếp với du khách bằng cách vẫy hai chân trước.
Giới chức vườn thú sau đó khẳng định đó là gấu thật và chiêu trò lừa dối như vậy không xảy ra tại cơ sở do nhà nước điều hành. Theo họ, nhiệt độ ngày video được quay là 40 độ C và không ai có thể chịu đựng được khi mặc bộ đồ hóa trang như vậy.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin rằng con gấu này thực sự do người hóa trang. Họ chỉ ra các chuyển động giống con người khi nó đứng, vẫy chân, cũng như những nếp gấp giống quần áo quanh lưng nó khi đứng.
Gấu chó là loài gấu nhỏ nhất, có kích thước tương đương những giống chó lớn, cao nhất là 1,3 m khi đứng bằng hai chân sau, so với chiều cao lên tới 2,8 m của gấu xám Bắc Mỹ. Gấu chó có nguồn gốc từ các khu rừng nhiệt đới ở Đông Nam Á và được xếp vào loài nguy cơ tuyệt chủng.
Đây không phải lần đầu một sở thú Trung Quốc gây chú ý vì vấn đề này. Năm 2019, sở thú Thế giới Động vật Hoang dã Diêm Thành ở thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, gây tranh cãi sau khi yêu cầu nhân viên hóa trang thành khỉ đột. Một phụ huynh phát hiện điểm kỳ lạ khi thấy hai nhân viên vườn thú hóa trang thành khỉ đột và nhảy xung quanh chuồng.
Vườn thú sau đó giải thích "khỉ đột người" là chương trình đặc biệt nhằm mang đến niềm vui cho du khách trong ngày Cá tháng Tư và không mong khiến khách tham quan hiểu nhầm.
Năm 2013, CNN đưa tin sở thú ở thành phố Tháp Hà, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, hóa trang một con chó lông lá lớn thành sư tử. Một du khách nói với tờ Beijing Youth Daily rằng khi cô và con trai đến gần chiếc lồng gắn tên "sư tử châu Phi", họ được chào đón bằng tiếng sủa thay vì tiếng gầm. Con thú lông xù sau đó được xác định là chó ngao Tây Tạng.
Beijing Youth Daily cho biết các loài động vật khác trong sở thú này cũng bị gắn tên sai. Một con chó khác được phát hiện trong chuồng chó sói và một con cáo trắng ở trong chuồng báo. Sở thú giải thích sư tử và báo đang được đưa đi nhân giống còn chó được đưa vào chuồng chó sói để tạo ra chủng lai giữa hai loài. Trong khi đó, chó ngao Tây Tạng được tạm thời cho vào chuồng sư tử "do lo ngại về an toàn". Sở thú cam kết các con vật sẽ được trả về đúng vị trí.
Huyền Lê (Theo AP, National World)