Thứ tư, 12/2/2025
Thứ hai, 18/5/2020, 15:17 (GMT+7)

Vườn thú Hà Nội trong mùa dịch

Sau một tháng dừng đón khách do Covid-19, vườn thú Hà Nội mở cửa trở lại song vẫn vắng vẻ.

Hai con hà mã tên Hia đang ngâm mình trong vườn thú Hà Nội.

Cơ sở này mở cửa trở lại từ ngày 4/5. Ông Phạm Đình Mạnh, Trưởng phòng Kỹ thuật (Vườn thú Hà Nội), cho hay trong thời gian giãn cách xã hội hơn một tháng qua, vườn thú đóng cửa song đội ngũ nhân viên vẫn đến làm việc hàng ngày để đảm bảo các loài động vật phát triển khỏe mạnh. Từ 8h sáng hàng ngày, 80 cán bộ, nhân viên phòng Kỹ thuật và 2 xí nghiệp phát triển chăn nuôi động vật bắt đầu công việc dọn dẹp, chăm sóc cho hơn 700 con thú thuộc hơn 70 loài động vật. 

Chị Ngô Ngọc Hân, 45 tuổi, nhân viên xí nghiệp chăn nuôi động vật 1, cho hà mã ăn bữa thứ 2 trong ngày,  lúc 14h. “Hà mã được cho ăn theo giờ, ngày 3 bữa. Lâu dần thành quen nên cứ đến giờ là chúng lên bờ, ngửa mặt lên hàng rào đòi được ăn”, chị Hân nói.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, dù đã mở cửa trở lại nhưng lượng khách đến vườn thú giảm khoảng 80-90% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách tham quan chủ yếu là những gia đình có con nhỏ, sinh viên. Giá vé vào vườn thú là 10.000 đồng với trẻ em và 20.000 đồng với người lớn.

 

Ngoài khẩu phần ăn hàng ngày, đều đặn hai lần mỗi tuần, bác sĩ thú y Vũ Kim Thương (xí nghiệp chăn nuôi 2) cho vẹt Nam Mỹ ăn bổ sung khoáng và vi lượng.

Chị Thương kể: "Trước đây vườn thú chỉ có một đôi vẹt, về sau đôi vẹt này đẻ thành đàn 10 con như bây giờ". Lúc vẹt mới đẻ, nhân viên vườn thú phải xay, mớm từng chút đồ ăn cho vẹt con. “Chứng kiến chúng khỏe mạnh, phát triển thành đại gia đình vẹt, cảm giác như nuôi con mình lớn lên vậy”, bác sĩ thú y đã gắn bó với vườn thú 18 năm chia sẻ.

Một gia đình đứng xem vượn cáo đuôi vòng ăn. Tại vườn thú, các khu vực chuồng voi, hổ, sư tử, khỉ, vượn thường thu hút khách tham quan nhất.

Anh Nguyễn Ngọc Anh, 48 tuổi, tổ trưởng tổ Voi - Hà mã (xí nghiệp chăm nuôi động vật 1) cho con voi tên Thái ăn mía.

“18 năm làm việc ở vườn thú, cũng là từng ấy năm tôi gắn bó với nghề chăm sóc voi. Đã có lần chứng kiến voi mình chăm sóc già đi rồi chết, cả tổ đều buồn. Trong công việc hàng ngày, chúng tôi chỉ mong các loài động vật đều khỏe mạnh, không ốm đau là mừng”, anh nói. 

Anh Ngọc Anh cho biết, dù đã chăm sóc lâu ngày và gần gũi, quen thuộc với voi, nhưng khi làm việc, các nhân viên luôn phải cảnh giác để đảm bảo an toàn lao động. "Khi vào chuồng, chúng tôi phải để ý đến mắt voi. Nếu đang tức giận hoặc không ưa người lạ, mắt nó sẽ giương lên, sau đó là lấy vòi quật hoặc lấy chân bổ vào người. Nhân viên vào chăm sóc phải luôn nhìn vào mắt để có thể ứng phó kịp thời", anh Ngọc Anh nói trong lúc tắm cho voi.

8h sáng hàng ngày, xe tải đưa cỏ đến các chuồng voi, hà mã, linh dương…

Vườn thú Hà Nội có 2 con sư tử. Con thứ nhất được nhận nuôi năm 2014, khi mới một tuổi, được đặt tên là Nam vì có nguồn gốc Nam Phi. Đến nay Nam đã nặng gần 2 tạ và có một con. Con của sư tử Nam tên là Trăm. "Trăm năm nay lên 3 tuổi, được cưng chiều nhất vườn thú", ông Nguyễn Quang Phúc, 50 tuổi, thuộc tổ Thú dữ (xí nghiệp chăn nuôi động vật 2) cho hay.

Thời gian rảnh, ông Phúc thường vòng ra bên ngoài song sắt qua sát xem môi trường sống của thú có tốt không, tâm trạng của nó như thế nào. Đến gần hàng rào, ông Phúc gọi “Trăm ơi, lại đây nào”, ngay lập tức con sư tử lao đến, tựa đầu vào hàng rào chờ ông vuốt ve. 

Ông lưu hình ảnh hai con sư tử từ khi chúng còn bé đến giờ.

“Gọi là nghề nguy hiểm vì làm việc với thú dữ, hoang dã. Với tôi, mình phải dành thật nhiều tình yêu cho chúng và nuôi chúng như con mình thì mới làm được. Hạnh phúc nhất là mỗi ngày thấy những đứa con mình nuôi đều phát triển mạnh khỏe”, người đàn ông làm việc tại vườn thú 26 năm, chia sẻ.

Khung cảnh vắng vẻ tại cổng soát vé vào vườn thú trong những ngày này.

Trong nhiều năm qua, vườn thú Hà Nội là một trong những địa điểm thu hút đông người dịp cuối tuần và nghỉ lễ.

Thanh Huế