Tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành lịch sử, sau đó vào làm trong cơ quan nhà nước tại tỉnh Lâm Đồng, nhưng với đam mê sản xuất nông sản sạch, anh Đức (30 tuổi, phường 5, TP Đà Lạt) vẫn quyết định nghỉ việc. Cặm cụi chỉnh sửa giàn ống thủy canh trong nhà kính trồng rau sạch, anh Đức chia sẻ: "Giờ là nông dân đích thực rồi. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên ngày nào tôi cũng ở ngoài vườn từ sáng tới chiều để chăm sóc, điều chỉnh thông số trong vườn rau".
Hiện nay, ở Đà Lạt trồng rau thủy canh đang phát triển mạnh và có nhiều người rất thành công nhờ mô hình này. Đây cũng là một trong những động lực để anh Đức mạnh dạn nghỉ việc nhà nước về đầu tư hệ thống nhà kính hiện đại.
"Bắt tay vào làm mình cũng không có nhiều vốn liếng. Vậy là chạy đi mượn tiền, nhờ bạn bè phụ giúp rồi tìm chỗ thuê đất. Khi hoàn thành khu nhà kính trồng rau gần 2.000m2, chi phí đầu tư đến nay cũng hơn 1 tỷ đồng, bao gồm hệ thống ống thủy canh nhập từ Thái Lan, nhà kính khung sắt...", Đức chia sẻ.
Sau hơn nửa năm đi vào hoạt động, hiện mỗi ngày vườn của anh Đức tiêu thụ khoảng 200-300kg rau thủy canh các loại (chủ yếu là rau xà lách). Chia sẻ bí quyết trồng rau từ thực tế bản thân, anh Đức bật mí: "Hạt giống và cách điều chỉnh chế độ dinh dưỡng trong nước là hai yếu tố quan trọng nhất đối với trồng rau thủy canh". Về hạt giống, anh nhập toàn bộ từ Hà Lan với giá cao gấp 10 lần hạt giống trong nước, nhưng bù lại khả năng cho thu hoạch gần như đạt 100%. Hạt giống nước ngoài được ưa chuộng bởi đã xử lý mọi mầm bệnh, bên ngoài hạt giống còn được phủ một lớp chất dinh dưỡng, người trồng chỉ việc thả vào giá thể rồi đặt lên ống thủy canh.
Ngay từ lúc xây dựng nhà kính, anh Đức đã đi tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm rau sạch của trang trại như liên hệ với các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn và ở TP HCM. "Chu kỳ rau nhanh lắm, từ lúc trồng trong hệ thống thủy canh tới lúc thu hoạch chỉ khoảng 25 đến 30 ngày nên phải chuẩn bị tốt đầu ra. Đặc biệt, rau cần được cung cấp liên tục nên tôi trồng từng đợt nối tiếp nhau nên không sợ thiếu hàng", anh Đức giải thích. Với lợi thế nằm gần các khu du lịch nên mỗi ngày có từ 200 đến 400 lượt khách vào tham quan miễn phí khu trồng rau thủy canh, nhiều du khách thích thú với vườn rau sạch thường mua về, chỉ tính lượng khách lẻ đã tiêu thụ hàng chục kg rau sạch mỗi ngày, nên đó cũng là nguồn tiêu thụ ổn định của trang trại.
Hiện nay, ngoài bán trực tiếp cho khách lẻ, cung cấp cho các siêu thị, anh Đức và vợ còn bán hàng trên facebook, zalo… Với giá bán bình quân 40.000 đồng một kg, doanh thu hàng tháng từ vườn rau đạt trên 250 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận thu về chiếm khoảng 40%.
"Chi phí ban đầu bỏ ra để trồng rau thuỷ canh khá cao, việc duy trì hoạt động cũng rất tốn kém nhưng nếu nguồn hàng tiêu thụ ổn định như hiện nay, sau một năm là có thể thu hồi vốn đầu tư", Đức cho hay.
Hướng đi sắp tới, chàng thạc sĩ trẻ tiếp tục đầu tư trồng rau xà lách xoong, rau muống thuỷ canh… và mở rộng diện tích, trồng dâu tây phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách. Điều quan trọng là giới thiệu được với mọi người quy trình sản xuất các loại nông sản đặc trưng của Đà Lạt mà không phải di chuyển quá xa trung tâm thành phố.
Khánh Hương