Khu vườn của chủ nhà TTMHanoi (nick của chị trên diễn đàn Vườn rau xanh) ở quận Đống Đa (Hà Nội) chỉ có 30 m2 nhưng đã 2 năm nay, gia đình không phải lo lắng chuyện rau ăn hàng ngày. Không chỉ thế, thỉnh thoảng chị còn có rau trái biếu họ hàng, bạn bè thân quen. Để có được thành quả như bây giờ, vợ chồng chị phải quyết tâm rất nhiều. Năm đầu tiên bắt tay trồng rau, chị trồng ở sân tầng 4 có mái che bê tông. Do thiếu nắng nên cây èo uột, còi cọc, dễ bị sâu bệnh. Chồng chị thuyết phục vợ đục mái che, làm cầu thang dẫn lên thượng. Sau đó, anh còn giúp chị làm khung sắt, bao lưới chống chuột. Xác định làm vườn lâu dài, anh chị dành một tháng để gây dựng, sử dụng nguyên liệu tốt như sắt vuông mạ kẽm, quây lưới thép bọc nhựa, tránh hoen gỉ. Ngoài sâu bệnh, chuột và chim sẻ là những đối tượng phá hoại cây khiến người trồng cây ở thành phố sợ nhất. Ban đầu, anh còn làm hệ thống tưới nước tự động cho vườn. Tuy nhiên, do nhà trồng nhiều loại rau tùy theo mùa, thời tiết của miền Bắc, mỗi loại cây có nhu cầu nước khác nhau, nên chị quyết định tưới tay để theo dõi sát tình hình cây. Ngoài ra, chị cũng cảm thấy thư giãn, thoải mái khi chăm cây vào đầu giờ sáng và buổi tối. Nhờ tham gia diễn đàn trên mạng, chị học được nhiều kinh nghiệm thú vị. Mùa nào chị trồng loại rau thích hợp với mùa đó. Có hai loại rau chính là loại ăn lá (cải, muống...) và loại ăn củ quả (bầu, bí, mướp...). Tùy từng loại rau cũng có cách thức chăm khác nhau. Rau ăn lá cần nhiều đạm, bón phân hữu cơ còn rau ăn củ quả cần thêm phân NPK. Khi mới làm vườn, anh chị mua đất phù sa (35.000 đồng một bao tải, gồm cả công vận chuyển và mang lên tầng thượng) rồi trộn với phân bón, tro trấu… để có được đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng. Phân bón được chị ủ từ cuộng rau, đồ ăn thừa, các phụ phẩm từ cá, thời gian khoảng 1 tháng. Vật liệu anh chị dùng để trồng rau là các loại thùng nhựa (15.000 đồng một thùng, mua ở hàng bánh mì) và hộp xốp (5.000 đồng một hộp, mua ở hàng bán hoa quả). Nhờ thùng/hộp được chế tạo đặc biệt (mọi người vẫn gọi là thùng @), rau vườn anh chị không bị héo khi trời nắng, không bị úng khi trời mưa. Đất trồng tốt và nắng là hai yếu tố quan trọng giúp cây có thể phát triển tốt. Dù mất công ban đầu nhưng đất luôn có đủ chất dinh dưỡng và chi phí giá thành thấp. Trong khi đó, nếu mua sẵn đất dinh dưỡng và phân bón bên ngoài, sẽ tốn kém, đất nhanh bạc màu. Với các nhà mới thử nghiệm trồng vườn, rau ăn lá là loại dễ trồng, nhanh thu hoạch, ít bị sâu bệnh. Khi cây bị sâu bệnh ở mức vừa phải, bạn có thể phun dung dịch tỏi, ớt nhưng nếu nặng hơn có thể phải dùng đến các loại dầu khoáng, thuốc trừ sâu sinh học. Đã có lúc anh chị phải phá bỏ cả giàn dưa chuột vì bị bệnh, sau đó rắc vôi bột, tránh ảnh hưởng tới cây trồng khác. Ngoài thùng xốp, nhà anh chị còn thử nghiệm thành công loại tháp trồng cây. Hoa quả hư hỏng, vỏ chuối, vỏ cam... được bỏ vào ống trụ ở giữa. Trùn và vi sinh giúp phân hủy rác, tạo ra phân bón làm cho đất thêm màu mỡ. Để có được thành quả như hôm nay, gia đình cũng phải trải qua nhiều thất bại. Ngoài việc học hỏi kinh nghiệm của người khác, tự mình trồng, rút kinh nghiệm chính là yếu tố quan trọng nhất. Giờ đây, khu vườn đã phát triển ổn định, nữ chủ nhà vẫn không ngừng tìm hiểu, học hỏi trồng thêm các loại cây rau mới. Ngoài rau ăn, trên sân thượng còn có một vài loại cây như tam giác mạch gieo từ hạt mang ở Hà Giang về, hoa hồng nhung Đà Lạt hay giàn hoa tigôn hồng. Chị bảo vườn giờ là nơi thư giãn vô cùng thú vị đối với chị sau những ngày làm việc căng thẳng. Xem tiếp Ban MaiẢnh: Sơn Lâm * Chia sẻ ảnh và thông tin về khu vườn trên sân thượng hoặc ban công tại doisong@vnexpress.net.Trồng rau sạch trên ban công đủ 4 gia đình ăn