Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới vừa công nhận Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là một trong 2.203 Khu đất ngập nước quan trọng quốc tế. Như vậy, VQG Côn Đảo là Khu đất ngập nước quan trọng (gọi tắt là khu Ramsar) thứ 6 và là khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam.
Hệ động vật rừng Côn Đảo ghi nhận được 144 loài, trong đó lớp thú chiếm 28 loài, chim 69 loài, bò sát 39 loài, lưỡng cư 8 loài. Hệ sinh thái biển của Côn Đảo cũng đa dạng và phong phú với 1.321 loài sinh vật biển đã thống kê được, trong đó thực vật ngập mặn có đến 23 loài, rong biển 127 loài, cỏ biển 7 loài, phù du thực vật 157 loài, phù du động vật 115 loài, san hô 219 loài, thú và bò sát biển 5 loài... 37 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam.
Nhiều loài có giá trị kinh tế cao như thuỷ sản, rong biển. Các loài thú biển quý hiếm như: cá voi xanh (Neophon phocaenoides), cá nược (Orcaella brevirostric), cá cúi (Dugon dugong). Đặc biệt Côn Đảo còn là bãi đẻ trứng của một số loài rùa biển.
Năm 1995, VQG Côn Đảo đã được Ngân hàng thế giới đưa vào danh sách Hệ thống các khu vực biển quan trọng cần bảo vệ trên toàn cầu (A Global Representative System of Marine Protected Areas) và Côn Đảo cũng là khu vực trọng điểm nằm trong Kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt.
Đất ngập nước là môi trường hữu ích nhất trên thế giới. Là cái nôi của đa dạng sinh học và cung cấp nước cũng như những điều kiện cơ bản giúp vô số các loài động thực vật tồn tại. Đây cũng là nơi tập trung ở mức cao các loài chim, loài thú có vú, bò sát, động vật lưỡng cư, cá và các loài nhuyễn thể. Đất ngập nước cũng là kho của nguyên liệu gen thực vật.
Trước đó, VQG Tràm Chim (Đồng Tháp) VQG Mũi Cà Mau, VQG Xuân Thủy (Nam Định), vùng ngập nước Bàu Sấu tại Đồng Nai (thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên) và VQG Ba Bể (Bắc Kạn) đã được công nhận là các khu Ramsar thế giới.
Xuân Mai