Khu vườn mộ nằm lặng lẽ trong một con phố nhỏ ở TP Huế, là nơi yên nghỉ của nhiều chí sĩ yêu nước, nhà thơ... Theo các tài liệu cũ, năm 1932, khi bị thực dân Pháp giam lỏng ở Huế, cụ Phan Bội Châu đã mua hai mảnh vườn nhờ tiền quyên góp của đồng bào. Một nơi nay là nhà lưu niệm Phan Bội Châu; chỗ còn lại là khu đất gần đàn Nam Giao (số 5, đường Thanh Hải, TP Huế).
Ban đầu, cụ Phan có ý định lập cô nhi viện ở mảnh vườn gần đàn Nam Giao để cưu mang những em bé mồ côi, nhằm giáo dục cho các em lòng yêu nước. Thực dân Pháp ngăn cấm điều này. Sau đó, cụ Phan quyết định dành mảnh đất làm nghĩa trang.
Năm 1934, cụ Phan lập một tấm bia với các quy ước rõ ràng về những người được phép chôn cất tại vườn mộ, bia đề: “Châu trước khi chết, xin đem vườn này làm nghĩa địa, tức theo ý cổ nhân nói rằng bạn bè chết không có chỗ chôn thì chôn tại nhà ta. Nhưng vì đất hẹp vườn chật khó dung hết được, nên định ra quy ước về chôn cất…".
Theo quy ước, những người đồng chí, đồng sự với cụ, những người không cùng hoạt động với cụ nhưng có ý chí cách mạng đến chết không thay đổi..., được chôn cất tại đây.
Việc quản lý nghĩa trang được cụ Phan giao cho người thân cận bên mình là ông Lê Văn Phát. Ông Phát đã đưa cả gia đình lên khu đất, dựng nhà sinh sống để tiện bề thực hiện lời dặn của "ông già Bến Ngự".
Người đầu tiên được cụ Phan đồng ý mai táng tại nghĩa trang là nhà cách mạng Nguyễn Chí Diểu, khi ông mất vào năm 1939.
Sau khi cụ Phan mất, năm 1941, viên tri huyện Hương Thủy đã lên lật úp tấm bia đề của cụ tại nghĩa trang, ngăn không cho người dân đọc được nội dung trên đó. Đến năm 1945, ông Phan Nghị Đệ - con trai cụ Phan, mới dựng lại tấm bia và tiếp tục thực hiện theo di nguyện ban đầu của cụ.
Ông Lê Văn Thế (81 tuổi, con trai cụ Lê Văn Phát) hiện quản lý vườn mộ cho biết, lúc còn sống người cha của mình đã thực hiện đúng theo quy ước của cụ Phan, đồng thời hàng ngày cần mẫn dọn dẹp khu vườn, làm sạch cỏ, cắt tỉa cây cảnh. Theo ông Thế, nghĩa trang là nơi an nghỉ của 15 người theo di nguyện cụ Phan đề ra, như nhà báo Hải Triều, nhà yêu nước Cửu cai Trần Hoành và vợ, nữ sử Đạm Phương...
Qua hai thế hệ gắn bó với vườn mộ, ông Thế chia sẻ mong muốn Nhà nước đầu tư xây dựng các bức tường xung quanh nghĩa trang để ngăn chặn trâu bò vào; tu sửa lại nhà bia để giữ gìn lâu dài khu di tích này.
Năm 1990, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng khu nghĩa trang là Di tích văn hóa cấp Quốc gia. |
Võ Thạnh