Từ rằm tháng 8, ông Tài bắt đầu xuống giống trên diện tích khoảng 2.000 m2 đất của gia đình, rồi chăm sóc liên tục đến khi thu hoạch. "Thời tiết năm nay không thuận lợi vì có mù sương muối, đòi hỏi người trồng phải xử lý phân, thuốc khéo léo nếu không sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây, bông trổ không đẹp", ông nói.
Trồng hoa không nặng nhọc, nhưng phải chăm sóc suốt ngày với các công đoạn xuống giống, bón phân, tỉa cành, ngắt bỏ lá già, nụ nhỏ, tưới nước, phun thuốc trừ sâu. Người đàn ông có 40 năm trong nghề trồng hoa khẳng định: "Khó nhất là xử lý cho ra bông đúng thời điểm Tết, nếu không sẽ bị thua lỗ".
Đến lúc thu hoạch, mỗi chậu cúc cao khoảng một mét, tàn rộng 0,9 mét, luôn có từ 160 bông trở lên. Giá cả năm nay có nhích hơn, toàn bộ số hoa ông đã bán hết cho thương lái với giá 100.000 đồng một chậu hoa cúc, cao nhất từ trước đến nay. Với giá này, gia đình nông dân thu lời trên 300 triệu đồng sau hơn bốn tháng trồng và chăm sóc vườn hoa.
"Hiện chỉ còn chăm sóc, canh giữ, chờ đến ngày 25 Tết, họ đem xe đến chở đi các nơi tiêu thụ", ông Tài nói và cho biết người mua về chỉ cần tưới nước vào gốc mỗi ngày một lần là chậu hoa sẽ tươi tốt đến rằm tháng giêng.
Cửu Long