Thứ năm, 5/12/2024
Chủ nhật, 29/8/2021, 05:00 (GMT+7)

Vườn dưa trên sân thượng 25 m2

Đà NẵngVườn chỉ đặt đủ hơn 40 chậu nên anh Trần Hòa (42 tuổi, ở Thanh Khê, trồng gối vụ nhiều loại để chọn ra giống dưa ngon nhất.

Hơn một năm trước, nhìn thấy gói hạt giống dưa ở cửa hàng, anh Hòa mua về trồng thử. Trong năm cây được ươm, cây thì héo xanh thối gốc, cây đang ra quả thì chết giữa chừng, cây ra quả thì bị chim phá... "Lần đầu trồng bị thất bại nhưng lại rất phấn khích, tôi muốn học hỏi để trồng thêm", anh thợ sửa điện thoại nói.

Sau đợt đó, anh dành phần lớn diện tích sân thượng vốn trồng rau xanh để trồng dưa.

Vườn dưa sân thượng 25m2
 
 

Học hỏi trên mạng và những người có kinh nghiệm, anh chủ vườn đầu tư khâu làm đất kỹ lưỡng và bài bản hơn. Anh thường trộn giá thể theo tỷ lệ 40 -50% đất, 30% tro trấu và xơ dừa, 20- 30% hỗn hợp phân dê, bò, gà và rắc ít vôi bột. Đất ủ 15 ngày mới trồng, phân trùn quế cho vào sau.

Theo anh Hòa, khâu làm đất là vất vả nhất vì phải leo bốn tầng cầu thang, trộn đất dưới cái nắng gắt của miền trung.

Để đuổi chim, anh treo túi nilon, chai, lọ nhiều màu khác nhau để khi gặp gió sẽ đong đưa. Hàng ngày anh tự tay vạch từng kẽ lá bắt sâu. Khi nuôi quả, cây cần lấy nước và dinh dưỡng nhiều, anh chủ vườn vì còn tưới tay nên phải tranh thủ tưới thêm vào buổi trưa.

Đa phần anh Hòa dùng phân hữu cơ tự ủ (bánh dầu, đạm cá, trứng chuối sữa), phân trùn quế, phân dê, phân gà nhật...kết hợp lượng nhỏ các thành phần khác để bổ sung dinh dưỡng cho cây theo từng giai đoạn.

Cây nhỏ cần bổ sung nhiều đạm hơn các thành phần khác, cây trưởng thành cần dinh dưỡng cân bằng và đủ các vi lượng, cây nuôi quả cần lượng dinh dưỡng lớn để nuôi thân và quả.

Dung dịch trứng, chuối, sữa cung cấp đạm, canxi, kali nên rất tốt cho giai đoạn nuôi quả, giúp quả ngọt thơm. Sau lần đầu thất bại, anh chủ vườn đã được thưởng thức những quả dưa tự trồng.

Anh Hòa trồng gối vụ để thường xuyên có quả thưởng thức và chọn ra được loại ngon nhất để làm giống trồng lâu dài.

Đầu năm đến nay anh trồng được hai vụ chính, một vụ khoảng ba giống, cách nhau tầm nửa tháng. Theo anh Hòa, dưa ưa nắng nên trồng đúng vụ là từ tháng 2-9 sẽ phát triển rất tốt.

Mỗi cây dưa anh Hòa chỉ để một quả. Riêng giống dưa Fujisawa (trong hình), cây nào khỏe, anh vẫn giữ lại hai quả để chăm sóc. Fujisawa thân mập lùn, lá xanh, quả lưới đẹp, thịt dầy, vị ngọt hơi mềm, thời gian trồng khoảng 80 ngày.

Đây là một trong những giống dưa Nhật vỏ xanh ruột cam anh Hòa thấy đáng trồng. Ngoài ra còn có các giống khác như Honey red, Tasman; giống Moulin - vỏ xanh ruột xanh, lưới nổi, tuy dài ngày nhưng thơm ngon.

Theo anh Hòa, trồng dưa sân thượng thoáng ráo ít mầm bệnh hơn trồng đất. "Muốn dưa phát triển tốt cần tưới đủ nước và dinh dưỡng theo từng giai đoạn. Hàng ngày tưới cây nên để ý sâu bọ, nấm bệnh để phát hiện và xử lý sớm. Cây càng khỏe, tỷ lệ cây về đích và chất lượng quả càng cao", anh nói.

Lứa gần đây nhất anh gieo 10 hạt dưa lưới Fujisawa lên 8 cây "về đích" cả 8, thu 11 qủa, có 3 cây để 2 qủa. Cây một quả trọng lượng 1,9 - 2,2 kg, cây để hai thì từ 1,4 đến 1,5 kg.

Ngoài dưa lưới, anh Hòa trồng các loại dưa vàng. Giống dưa Hami31 và Hami04 (trong hình) quả to nặng 3 - 4kg, vỏ màu vàng nhìn bắt mắt nhưng so với các giống dưa nhật thì ko thơm ngọt và ngon bằng.

Ông bố ba con cho biết, vườn dưa là nơi để gia đình kết nối, để các con được gần gũi với thiên nhiên. "Khi bế từng quả dưa như những chú lợn con mang xuống nhà thưởng thức hay biếu tặng bạn bè, người thân, cảm giác rất hạnh phúc và thú vị", anh nói.

Bù đắp cho những ngày phơi nắng làm đất, tưới cây, khi dưa xanh tốt, mỗi sáng, anh Hòa thường tranh thủ uống lên vườn ngồi uống cà phê, ngắm hoa, quả cho lòng thư thái.

Phạm Nga
Ảnh nhân vật cung cấp