Anh Dương Thái Bình quê ở Chí Linh - Hải Dương, sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh Bình viết đơn xin đi bộ đội. Khi hoàn thành nghĩa vụ, anh vào làm lái xe cho Điện ảnh Quân Đội. Anh ngày ngày nhận lệnh rong ruổi khắp mọi miền của đất nước để ghi lại những thước phim chân thực, sống động nhất về chân dung người lính, dấu tích của chiến tranh và các bộ phim tài liệu về quá trình đi tìm hài cốt các liệt sĩ và thân nhân.
Là một người lính đứng trong hàng ngũ của Đảng, anh Bình luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó. Công việc của một người lái xe rất vất vả, phải luôn tỉnh táo để đảm bảo an toàn cho mọi người, ăn ngủ với xe, không chỉ vậy, anh còn kiêm luôn công việc của một người quay phim. Công việc khó khăn nặng nhọc đến mấy anh luôn vui vẻ hăng say không bao giờ than mệt. Điều mà anh yêu thích, trăn trở, mong mỏi muốn thực hiện nhất là giúp đỡ các gia đình tìm lại những phần mộ của các liệt sĩ, mà nay vẫn còn đang nằm trên chiến trường.
Xuất phát từ việc chứng kiến sự mất mát hy sinh của những người thân trong gia đình cũng như sự vò võ của người bà, người thím, người em khi người con, người chồng, người cha của họ ra đi mà chưa có ngày trở về, anh Bình đã thấu hiểu nỗi đau tột cùng đó. Khi anh đi bộ đội cũng là mong muốn tìm được mộ của người bác là liệt sĩ Đoàn Thế Hoạch, nhờ sự giúp đỡ của đồng đội, cơ quan gia đình đã tìm thấy bác ở nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Tân Biên, Tây Ninh (năm 2002). Cảm nhận được niềm vui nghẹn ngào khi gia đình nhận lại hài cốt đã thôi thúc anh Bình cần phải giúp đỡ nhiều gia đình khác.
Anh tham gia vào hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và bắt đầu hành trình tìm kiếm các liệt sĩ. Bất kỳ ở đâu, làm gì trong túi của anh cũng có cuốn sổ ghi chép thông tin, danh tính về các liệt sĩ đã hy sinh, mất tích. Mọi người trong đoàn làm phim Điện ảnh Quân Đội đã quen với việc anh Bình luôn dành quỹ thời gian nghỉ ngơi ít ỏi để làm công việc vô cùng khó khăn quan trọng: tìm kiếm, thu thập, xác minh thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Từ việc sưu tầm, ghi chép, tìm hiểu, chụp ảnh giống như một phóng viên kèm theo sự hiểu biết của mình về lịch sử các cuộc kháng chiến, anh đã trang bị cho mình một nguồn thông tin rất lớn trong quá trình tìm kiếm các phần mộ liệt sĩ và thân nhân của họ.
Bom đạn và thời gian đã làm mất đi nhiều dấu tích nên không phải nói cũng thấy công việc anh Bình đang làm gặp muôn vàn khó khăn, nhưng bản thân anh cũng không lường hết được. Có nhiều gia đình muốn tìm lại người thân của họ nhưng do thời gian, chuyển nơi ở… nhiều gia đình không còn lưu giữ các giấy tờ của các liệt sĩ, cũng có nhiều lúc gia đình không tin tưởng và họ cho rằng việc anh Bình làm là không có cơ sở. Thậm chí có nhiều người đi tìm mộ bằng phương pháp bói toán, ngoại cảm rồi tiền mất mà mộ thì không tìm thấy, mất hàng trăm triệu lại mang nắm đất không về thờ. Không chỉ vậy anh Bình còn phải chịu sự phàn nàn của người thân, có người không hiểu còn cho rằng việc anh làm là vô bổ, đi làm việc không ra tiền. Nhưng bằng ý chí và tư tưởng vững chắc, anh đã không nản lòng, tự an ủi và quyết tâm làm bằng được để mọi người thấy việc mình làm hoàn toàn đúng đắn. Nghĩ là làm, cứ có thời gian, anh lại khoác ba lô lên đường tìm kiếm thông tin. Có lúc tưởng chừng như anh sắp tìm được mộ, nhưng khi đến nơi lại có nhiều mâu thuẫn hoặc không đúng, anh quay lại tra cứu từ đầu dựa trên cơ sở khoa học.
Công việc này đòi hỏi anh phải đi nhiều, với số tiền ít ỏi mà hội cấp cho nhiều lần anh phải bỏ tiền túi ra. Có lần được nghỉ phép anh tranh thủ bay vào miền Nam, đi vào một số chiến trường miền Tây để tìm mộ. Hôm đó anh Bình đã đi xe bus từ cơ quan ra sân bay lúc tối, rồi ngồi chờ cả đêm ở sân bay đến sáng mới có chuyến bay vào miền Nam. Tôi mới hỏi anh: anh có tiền đi máy bay thì sao không chờ đến gần giờ bay bắt taxi, không thì anh đi tàu hỏa cũng được, anh bảo với tôi: giá vé tàu hỏa với máy bay bằng nhau thì anh bay cho nhanh tiết kiệm thời gian, anh không được nghỉ phép nhiều mà vào trong đó còn có nhiều việc phải làm. Nếu anh bắt taxi thì mất tiền gần bằng vé máy bay rồi. Anh là bộ đội nên chịu khổ quen rồi. Anh Bình đi tận cả vùng biên giới sang nước bạn để tìm mộ liệt sĩ, môi trường khí hậu thay đổi ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe nhưng anh chỉ cười khi ai đó nhắc nhở.
Qua nhiều năm, anh Bình đã giúp đỡ được nhiều gia đình tìm được người thân của mình như gia đình liệt sĩ Trần Quang Phại (Đình Dù - Văn Lâm - Hưng Yên), nguyên là trinh sát của C25, E24, F10 quân đoàn 3. Đây là liệt sĩ đã tham gia chiến trường Campuchia trong quá trình truy quyét quân Pôn Pốt.
Ngoài 30 tuổi nhưng anh vẫn chưa lập gia đình, mẹ anh muốn anh tập trung xây dựng. Mẹ thấy anh đi nhiều nên cũng rất lo nhưng trong sâu thẳm người lính anh vẫn canh cánh là làm sao tìm dược nhiều phần mộ hơn nữa. Anh cũng vừa hoàn thành xong khóa học đại học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với mục đích có nhiều kiến thức hơn phục vụ cho công việc đầy ý nghĩa này. Hiểu được việc con đang làm, bố anh luôn động viên "Giúp đỡ mọi người là việc tốt, nhưng không được nhận bất kỳ vật chất nào của họ, bởi họ đã mất mát quá nhiều". Lời động viên đó đã giúp anh có thêm sức mạnh để hoàn thành công việc của mình.
Nhiều hài cốt được đưa về địa phương, có nhiều lời cảm ơn cả vật chất và tinh thần, nhưng anh chưa bao giờ nhận bất kỳ món quà nào. Đối với anh, món quà lớn nhất chính là nụ cười của mọi người.
Có hàng trăm việc tốt đem lại hạnh phúc cho mọi người, nhưng gặp không ít khó khăn hoài nghi của những người xung quanh. Tuy nhiên chỉ cần có niềm tin vào bản thân nhất định bạn sẽ thành công và có ích cho cộng đồng.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Nguyễn Thị Hạnh