Sputnik hôm nay dẫn lời lãnh đạo cộng hòa Nam Ossetia tự xưng Anatoly Bibilov cho biết quá trình sáp nhập vào Nga và thống nhất với Bắc Ossetia sẽ không diễn ra đồng thời do không được pháp luật cho phép. Do đó, Nam Ossetia có thể sẽ tiến hành hai cuộc trưng cầu dân ý về hai vấn đề này, trong đó cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập Nga có khả năng diễn ra ngày 10/4.
"Chỉ khi Nam Ossetia đã là một phần của Liên bang Nga thì quá trình thống nhất Ossetia mới nên được tiến hành", ông Bibilov nói, thêm rằng các cuộc tham vấn với Nga đang tiếp tục diễn ra.
Vùng đất Ossetia nằm bên dãy Kavkaz đã trở thành một phần của Đế quốc Nga năm 1774. Năm 1922, vùng này được chia thành hai phần, trong đó Bắc Ossetia thuộc Nga, còn Nam Ossetia thuộc Gruzia. Nam Ossetia ly khai kể từ đầu những năm 1990, đã vài lần nổ ra xung đột giữa Gruzia và Nam Ossetia trong ba thập kỷ qua.
Bibilov khẳng định chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine không liên quan đến chuyện Nam Ossetia mở trưng cầu dân ý sáp nhập Nga. Ông nói thêm sự phân chia Ossetia thành hai miền nam bắc vào những năm 1920 là "hiểu lầm chính trị" và không phản ánh mong muốn của người dân.
Người đứng đầu cộng hòa Nam Ossetia tự xưng cuối tháng trước cho biết "thống nhất với Nga là mục tiêu chiến lược" và là nguyện vọng của người dân. Nhà lập pháp hàng đầu Nam Ossetia, Alan Tadtaev, cũng khẳng định họ có đầy đủ lý do để gia nhập Liên bang Nga và không gặp trở ngại pháp lý nào.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Gruzia David Zalkaliani tuyên bố việc tổ chức bất kỳ hình thức trưng cầu dân ý nào ở Nam Ossetia về chuyện sáp nhập vào Nga là không thể chấp nhận được.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tháng trước nói rằng không thể bình luận về kế hoạch sáp nhập của Nam Ossetia và Nga không đưa ra bất cứ hành động nào về kế hoạch này, song khẳng định Moskva luôn tôn trọng ý kiến của người dân Nam Ossetia.
Gruzia là quốc gia từng thuộc Liên Xô tại khu vực Kavkaz, giáp với Nga ở phía bắc. Quan hệ Nga - Gruzia luôn căng thẳng kể từ khi xung đột quân sự nổ ra vào tháng 8/2008, khi Gruzia tấn công hai vùng ly khai Abkhazia và Nam Ossetia.
Nga mở chiến dịch can thiệp quân sự vào Gruzia từ ngày 8/8/2008 và kết thúc sau 5 ngày giao tranh. Gruzia chịu thiệt hại nặng về lực lượng và cơ sở hạ tầng quốc phòng. Nga công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia song hầu hết cộng đồng quốc tế không coi là hợp pháp.
Nga duy trì hiện diện quân sự tại Abkhazia và Nam Ossetia, khẳng định đây là hành động phù hợp với nguyện vọng của người dân địa phương. Tuy nhiên, chính quyền Gruzia và phương Tây phản đối, cho rằng đó là hành động "xâm chiếm trái phép". Nga và Gruzia đã cắt quan hệ ngoại giao.
Ngọc Ánh (Theo Sputnik)