![]() |
Những con gà chết được đốt ngay trong chuồng. |
Vườn nhà anh Nguyễn Thành Đức ở phường 3, thị xã Tân An, một đống gà cháy khét ngay trong chuồng. Chị vợ cho biết: "Buổi sáng khi thức dậy thấy trong số 2.000 con gà trong lồng thì đến 1/3 đã lăn quay. Hơn 700 con gà được hỏa thiêu bằng lốp xe, dầu đen. Có những con nửa giờ trước còn đang ăn mà chỉ sau 10 phút đã chết. Biết là số còn lại cũng sẽ "ra đi" nhưng nhìn lũ gà đang khỏe mạnh, vẫn cho trứng đều đặn, tôi không nỡ giết".
Cách đó không xa là gia đình chị Đoàn Thị Kim Duyên chuyên nuôi gà thịt, loại gà chạy trong vườn. Nhà chị có khoảng hơn 3.000 con, song thỉnh thoảng lại có một con trong bầy lăn ra, nằm lờ đờ khoảng 10 phút rồi chết. Chỉ trong vòng nửa tiếng có mặt, phóng viên VnExpress đã chứng kiến 8 con gà đang rất khỏe mạnh đột nhiên ngã quỵ. Chị Duyên mệt mỏi nói với các nhân viên chi cục thú y tỉnh Long An: "Nếu thực sự không cho bán gà thì các chị xem cấp giấy hủy cho, tôi sẽ giết hết chúng chứ tôi mệt mỏi lắm rồi". Theo chị Duyên, mấy ngày đầu, chị còn lượm xác gà cho vào bao rồi đem chôn. Nhưng bây giờ, đất chôn cũng không còn, anh chị lấy gáo dừa, dầu đen đốt thành đống ngay trong chuồng. Cứ con nào chết thì ném luôn vào trong đám cháy. Chị Duyên tâm sự: "Mất tiền thì xót lắm nhưng biết làm sao được. Không bán được, bỏ đói cho nó chết thì thất đức quá, cứ để đó thì cũng quá mệt rồi. Chẳng thà cứ giết hết đi, chờ bao giờ hết dịch thì làm lại từ đầu vậy".
Tại nhà anh Hai Nguyện, một chủ gà nổi tiếng trong vùng Nhơn Thạnh Trung, hàng trăm con gà nằm quay đơ trong dãy chuồng được xây dựng rất khoa học. Đứng trước khu chuồng trống rỗng, anh Hai Nguyện rơm rớm nước mắt: "Thế là năm nay mất ăn Tết. Tôi đầu tư vào đây hàng trăm triệu đồng. Nuôi gà đẻ trứng đến ngày thu hoạch thì chúng lăn đùng ra chết. Dự tính mỗi tháng cũng thu được hơn chục triệu tiền trứng nay thì chẳng mong gì bán được".
Theo anh Nguyện, với kinh nghiệm gần 20 năm gắn bó với đàn gà, anh cũng không biết phải làm gì, đành bó tay với bệnh cúm này. "Trong những ngày đầu tiên có dịch, thương lái vẫn xuống mua gà chết nhưng chưa trả tiền vội. Cả vùng Nhơn Thạnh Trung, gom lại được hàng nghìn con cả gà lẫn vịt, thương lái mang đi hết. Nhưng đã hơn 1 tuần chẳng thấy họ quay lại, không biết có bán được không. Chúng tôi không thể đưa gà đi đâu vì đã có lệnh cấm vận chuyển và hạn chế đi lại. Đến nay trứng gà thì vẫn được các đại lý thức ăn gia cầm xuống lấy để tính vào khoản tiền chúng tôi đã mua thức ăn chịu", anh Nguyện tiếc rẻ nói.
![]() |
Các biển báo vùng có dịch được cắm khắp nơi. |
Cái Tết đang đến gần, nhưng người nuôi gà Long An chẳng còn tâm trí để mua sắm, lúc này họ mong muốn nhất là nạn dịch chóng qua. Chị Diên cho biết: "Bao ngày nay chúng tôi lo cho gà, có chuẩn bị Tết được gì đâu. Ngày mai lại còn phải đập chết trên nghìn con gà còn sống. Chúng tôi được chính quyền thông báo ngân hàng sẽ cho giãn nợ, rồi sẽ cho vay vốn để làm lại, thật là tốt. Nhưng mà vẫn lo dịch không dập được thì sao có thể nuôi lại. Năm sau chúng tôi sẽ xoay ra làm gì để trả hàng trăm triệu đồng cho ngân hàng".
Trong khi đó, điện thoại của Chi cục Thú y tỉnh réo liên tục báo tin về các điểm có gà chết lớn cần tiêu hủy ngay. Sổ trực với những dòng chữ: phường 5 - chôn 600 con gà; phường 4 chôn 1.400 con gà + vịt; huyện Tân Trụ - thiêu hủy 3.000 con gà+ vịt.... Trong số 14 huyện và thị xã của Long An, trừ Cần Giuộc, xã huyện nào cũng có báo cáo gà chết cần xử lý ngay. Ông Dương Văn Tiến, Phó chi cục trưởng Thú y, cho biết: "Một tuần nay chúng tôi phải huy động nhân viên làm từ 6h sáng đến 7h tối. Phát thuốc cho dân; in mẫu khai báo gia cầm chết để dân và chính quyền kê khai, sau này còn nhận tiền hỗ trợ 5.000 đồng/con; cử nhân viên đi hướng dân người dân thiêu hủy và chôn gà. Ngoài thuốc sát trùng, nhân viên đến trại gà được trang bị áo blu mỏng, ủng và khẩu trang. Đây là trận dịch lớn nhất từ trước đến nay. Thú y tỉnh không đủ trình độ chuyên môn và nhân lực để dập tắt được dịch. Chúng tôi đang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mời chuyên gia nước ngoài vào".
![]() |
Nhân viên thú y kiểm tra gà đã chôn. |
Hai nữ nhân viên cơ động nhất của Chi cục Thú y tỉnh là Yến và Thảo cho biết, từ ngày có dịch 2 chị đã đến được hàng chục điểm phải tiêu hủy gà. Ở Long An, hầu như nhà nào cũng nuôi gà, từ thị xã đến các huyện. Nhà ít nhất có 8 chục con, nhà nhiều cũng là 70 nghìn con. Chị Yến cho biết: "Nhìn gà chết mà tiếc đứt ruột. Không phải của nhà mình mà còn thế nữa là các gia chủ. Thế nên chúng tôi chỉ có thể giải thích về nạn dịch, còn việc có giết cả đàn gà hay không thì do chủ nhà quyết định". Tại phường 3, nhà anh Đấu, hai cán bộ thú y buộc phải đề nghị chủ nhà đào mấy bao gà chết lên để... đếm. Chiếc khẩu trang mỏng mảnh, áo blu bằng vải lon trắng, đôi ủng cao su không giúp được họ mấy khi phải moi từng con gà đang rữa thịt ra từ các bao tải đã chôn dưới đất từ hôm trước. Thảo vừa đếm gà vừa phải giải thích cho anh Đấu: "Anh thông cảm, biết là đền bù cho gia đình cũng chẳng được là bao nhưng chúng tôi phải làm việc theo nguyên tắc, nhà này còn nhà khác. Chết nhiều thế này, hỗ trợ đúng thì mới đủ tiền anh ạ". Anh Đấu đứng chống xẻng, quay mặt đi.
Với các cán bộ thú y Long An, năm nay sẽ không có ngày nghỉ Tết. Nhiều người ban đầu cũng lo cúm gà lây sang người, nhưng sau thấy đâu đâu cũng có gà, vịt chết, biết lo cũng chẳng được nên thôi. Ông Dương Văn Tiến bình thản nói: "Nếu có dịch cúm cho người thì người nuôi gia cầm còn nguy hiểm hơn, chứ chúng tôi thì ăn thua gì".
Các quán ăn không bán thịt gà, vịt mặc dù thực đơn có đầy đủ. Chủ quán Mái Lá, quán ăn nổi tiếng nhất thị xã Tân An, cho biết: "Nhà hàng một tuần nay không nhập gà vịt, mặc dù nhiều khách vãng lai vẫn gọi món này. Người dân không ai ăn thịt gà nữa rồi. Gia đình tôi cũng không ăn. Chắc Tết năm nay cúng cá".
Thế nhưng tại các chợ của Long An, một số người vẫn lén lút bán thịt gà, song chỉ bán được cho những người rất nghèo với giá rẻ. Khi thấy đội quản lý thị trường kiểm tra họ bỏ chạy hết. Trứng gà vẫn được bày bán bình thường, nhưng giá cao hơn. Trước đây trứng gà xuất tại chuồng là 400-500 đồng/quả, nay đã lên 800-1.000 đồng/quả. Và khắp các đường phố của Long An đều cắm biển cấm vận chuyển gia cầm và hạn chế đi lại.
Hoài Thương - Thế Tài