
Từ tháng 10 năm trước tới tháng 4 năm sau, những cánh đào rừng thi nhau bung nở trên khắp bản làng, vạt đồi, trước cổng mỗi ngôi nhà sàn trên vùng đất Cao Sơn. Nơi đây có ba bản là Son, Bá và Mười, toàn bộ là người dân tộc Thái sinh sống. Cao Sơn được xem như biệt khu của xã Lũng Cao, Bá Thước (Thanh Hóa). Muốn vào đây, bạn phải xuyên lối mòn qua đỉnh Phà Hé mất cả nửa ngày, hoặc phải vượt "cổng trời" Lũng Vân, Nam Sơn của Tân Lạc, Hòa Bình.

Khí hậu Cao Sơn lạnh quanh năm, mùa đông có lúc xuống chỉ còn 1 đến 2 độ C. Nơi đây được gọi là 'Sa Pa say ngủ trong lòng xứ Thanh'. Sự khác biệt về khí hậu lẫn thổ nhưỡng khiến cho hoa đào nở nhiều đợt. Nhà thơ Hà Nam Ninh từng viết "Hoa đào nở rực mùa đông/ Không tin anh thử lên Son mà tìm".

Hoa đào 5 cánh mỏng manh nhưng lại có sức sống mãnh liệt, thích hợp sinh trưởng ở vùng đất quanh năm sương mù và khí lạnh này.

Bắt đầu nở trước Tết vài tháng, nhiều cây hiện nay đã có quả và ra lộc mới. Đào nở quanh trường Phổ thông Cao Sơn, ngôi trường không có giáo viên nữ, chỉ có các thầy giáo quanh năm cắm bản dạy học.

Học trò vui chơi trong sân trường, dưới những vạt hoa đào.

Ngoài hoa đào, hoa mận cũng thi nhau nở trắng trời, đẹp chẳng kém vùng cao Tây Bắc.

Vẻ đẹp trắng trong, thanh khiết của hoa mận dưới mỗi mái nhà sàn khiến khung cảnh rất đỗi nên thơ.

Sắc vàng của cải, sắc thắm của đào gọi mùa xuân nơi đây đến sớm hơn những nơi khác.

Nhiều cây mận, cây đào cổ thụ 30-40 năm tuổi.

Trước cửa nhà người dân đều trồng đào, nhiều nhất là ở bản Son. Khắp các nẻo đường, bên sườn đồi, quanh trường học, trước mỗi nếp nhà sàn đều có hoa đào nở rực.

Mùa đông Cao Sơn thường có sương muối, nhiều cây cỏ không sống nổi. Vẻ đẹp rực rỡ của hoa đào khiến cho nơi đây bớt lạnh lẽo. Người dân chỉ cần nhìn thấy hoa đào nở là bắt đầu để dành gạo nếp, ủ ngô làm rượu để chuẩn bị đón Tết.

Dịp cận Tết, thương lái ở Hòa Bình hoặc các vùng lân cận lại ngược Cao Sơn, tìm những cành đào rừng đẹp nhất về buôn. Giá mỗi cành chỉ trên dưới 100.000 đồng. Nhiều cây đào mốc cổ thụ của người Thái cũng lần lượt bị mang về xuôi.
Hoàng Phương