Nằm trong số hộ dân phải di dời do sạt lở rạng sáng 19/9, chị Hồ Thị Hương, 30 tuổi, ở làng Tăk Chay, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, nhớ mãi lúc đang ngủ bất ngờ choàng tỉnh bởi những tiếng bụp bụp phát ra từ lòng đất. Vài phút sau, chị chạy ra ngoài thấy một góc núi sạt xuống làng.
Những tiếng hô đứt quãng trong đêm khiến nhiều người bật dậy lao ra khỏi nhà. Mưa như trút, họ bồng bế con, vơ vội những bộ áo quần chạy ngược về điểm trường mầm non trú tránh. Sáng hôm sau, trời tạnh mưa, người dân quay về làng chứng kiến cây cối đổ rạp, đất lở sát vào nhiều nhà dân.
Ngọn núi phía sau làng xuất hiện vết nứt dài hàng chục mét, đường nứt chẻ đôi ba nền nhà. "Một vết nứt dài gần 200 m, rộng nửa mét chạy dọc con đường đất mới mở, nguy cơ khiến ngôi làng sạt xuống vực sâu", chị Hương nói.
Làng Tăk Chay nằm ở độ cao 600 m so với mực nước biển, cách trung tâm xã Trà Cang khoảng 3 km. Nơi đây có 33 hộ với 175 người dân tộc Xơ Đăng sinh sống. Trong đó, 17 hộ sinh sống từ lâu đời, chưa từng xảy ra sạt lở.
Qua khảo sát của huyện Nam Trà My, làng Tăk Chay nằm ngoài khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Đầu năm 2024, 16 hộ khác mới chuyển về để thuận tiện cho con cái đi học và an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, từ ngày 12 đến 18/9, địa bàn mưa lớn, đường nứt xuất hiện khắp nơi.
Lo sợ sạt lở đất vùi lấp cả làng, xã buộc phải di dời dân. 33 ngôi nhà gỗ kiên cố lợp tôn được tháo dỡ, chính quyền đang tìm kiếm vị trí để xây khu dân cư mới.
Cách Tăk Chay khoảng 20 km, hàng chục hộ dân thôn 1, xã Trà Mai nằm dọc quốc lộ 40B sống trong cảnh lo sợ mỗi khi mưa lớn. Anh Huỳnh Ngọc Hoàng cho biết cuối năm 2020, hàng trăm mét khối đất đá trên núi sạt xuống, làm sập ba nhà dân. Mọi người phát hiện kịp thời nên chạy thoát.
Sau đó, hàng nghìn mét khối đất cứ sụt xuống mỗi lần mưa, vết nứt kéo rộng ra, tràn xuống con đường dẫn vào thôn. "Bốn năm qua, tôi cùng các hộ dân lân cận khi trời mưa lớn thì chủ động di dời đến nơi khác trú tránh", anh Hoàng kể.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch huyện Nam Trà My, cho biết qua rà soát trước mùa mưa lũ năm 2024, huyện có 33 điểm có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng hơn 10.000 người. Những điểm này xuất hiện vết nứt, bị sạt lở từ các năm trước. Chính quyền phải dỡ nhà của gần 60 hộ dân ở làng Tăk Chay, xã Trà Cang và làng Lăng Lượng, xã Trà Tập di dời đến nơi ở tạm.
"Thấy trời mưa lớn là cả chính quyền lẫn người dân lo sợ, không biết nơi nào an toàn, nơi nào không. Sạt lở gần như không thể lường trước", ông Dũng nói.
Lý giải nguyên nhân, ông Dũng cho rằng 80% diện tích Nam Trà My là đồi núi cao, nhiều sông suối. Độ cao trung bình 500-1.000 m, dốc 25 độ về phía Nam và thoải dần về phía Bắc. Lượng mưa trung bình hàng năm hơn 3.000 mm, tập trung vào tháng 9-12, chiều tối mỗi ngày trời đổ giông. Dân cư phân bố nhỏ lẻ ở các đỉnh núi, mỗi làng vài chục hộ dân. Bà con thường chọn làm nhà ở dải đất một bên đồi núi cao, một bên vực thẳm nên nguy cơ sạt lở cao.
Ngoài yếu tố địa hình, theo Chủ tịch huyện Nam Trà My, huyện nằm gần thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My và gần thủy điện Thượng Kon Tum, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum nên liên tục chịu ảnh hưởng của hàng chục trận động đất kích thích. Ngoài ra, sạt lở một phần do việc xây dựng đường, san ủi đất, làm đứt gãy kết cấu đất. "Như làng Tăk Chay, con đường mới mở trước làng tạo taluy cao, núi bị mất chân nên gặp mưa lớn là sạt", ông Dũng dẫn chứng.
Ngoài Nam Trà My, Quảng Nam còn 8 huyện miền núi có nguy cơ sạt lở cao. Tỉnh nằm phía đông dãy núi Trường Sơn, địa hình núi cao hướng dốc từ Tây sang Đông, có đỉnh núi Ngọc Linh cao nhất nam miền Trung. Lượng mưa bình quân hàng năm 2.000-2.500 mm tập trung vào tháng 9-12, chiếm 80% lượng mưa cả năm. Thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, 9 huyện miền núi có gần 100 điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, cho biết thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường khảo sát, đưa ra cảnh báo với tỉnh. Những cảnh báo đang và đã diễn ra đúng như dự báo. Đây là cơ sở để tỉnh tập trung những giải pháp sắp xếp lại khu dân cư, ổn định đời sống cho người dân.
Tại những vùng xuất hiện vết nứt, tỉnh sẽ cho di dời khẩn cấp đến khu tái định cư mới. "Với miền núi, chúng tôi chỉ đạo có một kế hoạch chi tiết di dời dân, tỉnh sẵn sàng dành nguồn ngân sách thực hiện cấp bách trong thời gian tới", ông nói.
Nói về giải pháp, lãnh đạo huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng cho rằng về lâu dài cần xây dựng các công trình kè, cống thoát nước, nhất là sau khi mở đường và tạo taluy. Trước mắt, thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh sắp xếp khu dân cư vùng sạt lở, huyện đã phê duyệt phương án cho 20 khu dân cư với 944 hộ. Trong đó 14 khu cơ bản đã xong; 6 khu phê duyệt trong năm 2024 đang triển khai.
Ông Trần Duy Dũng thêm rằng khu tái định cư mới chỉ an toàn hơn khu cũ, chính quyền không thể cam kết tuyệt đối không sạt lở. Việc tìm kiếm mặt bằng tái định cư trên địa bàn rất khó khăn vì nơi đâu cũng đồi núi dốc.
Đắc Thành