Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Max Planck, Đức, phát hiện một "vùng chết" khổng lồ rộng khoảng 60.000 km2 tại vịnh Bengal thuộc Ấn Độ Dương, nằm gần khu vực Đông Nam Á. Vùng biển này có độ sâu từ 100 m đến 400 m. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Geoscience hôm 5/12.
Theo News.com.au, vùng biển chết từng xuất hiện ở ngoài khơi bờ biển Bắc Mỹ và Nam Mỹ, phía tây châu Phi và biển Arab, nhưng đây là lần đầu tiên người ta tìm thấy nó tại khu vực gần Đông Nam Á.
Vùng biển chết thường có mối liên hệ mật thiết với sự thiếu hụt oxy trong nước và các vi khuẩn loại bỏ nitơ, chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết cho sự sống, ra khỏi nước.
Trong trường hợp của vịnh Bengal, các nhà khoa học không phát hiện thấy hiện tượng nitơ biến mất. Thay vào đó, họ tìm thấy dấu vết của oxy ở nồng độ thấp hơn so với lớp nước bề mặt bão hòa không khí khoảng 10.000 lần. Hàm lượng oxy này quá nhỏ để hỗ trợ sự sống phát triển cũng như ngăn cản các vi khuẩn tiêu thụ nitơ.
"Tại vịnh Bengal, các vi khuẩn đang ở trạng thái sẵn sàng loại bỏ nhiều nitơ hơn hiện nay. Nhưng hàm lượng oxy trong nước quá nhỏ đã ngăn cản chúng làm như vậy", Laura Bristow, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Một khi hàm lượng oxy cuối cùng trong nước biến mất, vịnh Bengal sẽ trở thành khu vực khổng lồ loại bỏ nitơ ra khỏi đại dương. Điều này có thể tác động nghiêm trọng tới sự cân bằng dinh dưỡng ở biển và đe dọa sự sống của các loài sinh vật biển trong khu vực.
"Chúng tôi cần thêm các mô hình để làm sáng tỏ những tác động của con người đến vòng tuần hoàn nitơ trong vịnh Bengal và toàn cầu", Bristow nói.
Xem thêm: Vùng hồ nằm dưới đại dương mang độc tố chết người
Lê Hùng