![]() |
Nhiều gia đình ở đồng Chó Ngáp lập bàn thờ Tổ quốc ghi công với ảnh Hồ Chủ tịch trang trọng trước nhà. Ảnh: Duy Khang |
Sáng 29 Tết, ông Nguyễn Văn Sử ở ấp Thọ Hậu, xã Phước Long (Bạc Liêu) ra đồng rất sớm để bắt vài ký tôm mang ra chợ bán lấy tiền mua thịt, dưa hấu với vài chậu hoa về đặt trước nhà đón Tết Quý Tỵ trong niềm vui trúng mùa. Đàn tôm càng xanh đầu tư con giống hơn 1 triệu đồng, sau bốn tháng nông dân 60 tuổi thu hoạch được gần 30 triệu nên cả nhà sẽ ăn Tết vui vẻ.
Bên tách trà cuối năm, "nhân chứng sống" kể về bao biến đổi của cánh đồng cỏ thuộc huyện Hồng Dân (tỉnh Minh Hải cũ), nay được tách ra hai huyện Phước Long và Hồng Dân (Bạc Liêu). Theo ông Sử, trước năm 1975, từ phía sau nhà ông băng qua Cỏ Thum của huyện Hồng Dân năn mọc bạt ngàn hơn 10 km.
"Đồng khô chó chạy suốt ngày không hết, mệt đứt hơi phải "ngáp" ngắn dài nên cái tên đồng Chó Ngáp ra đời. Ruộng mọc đầy năn, nông dân không làm lúa được mà chỉ nuôi trâu. Đến mùa khô năn ngã rạp tạo thành một lớp 'thảm' dày 40-50 cm. Bộ đội ra ruộng chui vào năn ngủ để tránh địch rất hiệu quả", ông Sử nhớ lại.
Một hôm, quân cách mạng vào vườn dừa nhà ông Sử để bàn thảo kế hoạch đánh địch. Bên kia sông, giặc nã đạn xối xả về hướng đồng Chó Ngáp làm nhà của nông dân này tan hoang. Hàng chục cây dừa trên 70 tuổi hiện vẫn còn in rõ dấu tích của chiến tranh vì trúng đạn.
![]() |
Gói bánh tét ăn Tết ở đồng Chó Ngáp. Ảnh: Duy Khang |
Chiến tranh qua đi, Nhà nước đưa cơ giới vào ruộng để xẻ kênh Một Ngàn, Hai Ngàn cho đến kênh Mười Hai Ngàn để đồng Chó Ngáp xuyên đến vùng miệt thứ của tỉnh Kiên Giang. Những con kênh này cách nhau một cây số có nhiệm vụ "xổ phèn" cho cả vùng. Khi ấy, nông dân bắt đầu đào liếp trồng khóm, trúc bán lấy tiền cất nhà, nuôi con ăn học và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Hơn chục năm trước, nước mặn về làm năn không mọc nổi. Vài nông dân "đánh cược" với cuộc sống bằng cách phá bờ đưa nước mặn vào đồng nuôi tôm sú mang lại hiệu quả cao. Năm 2011, nhiều người đưa xe cuốc, xe ủi san bằng những liếp khóm, trúc ngày nào để trồng lúa kết hợp nuôi tôm, cua. Nhiều căn nhà tường trị giá hàng trăm triệu đồng mọc lên giữa đồng Chó Ngáp cho thấy quê nghèo thật sự "thay da đổi thịt".
Lão nông Lê Văn Tốt (Ba Tốt, 80 tuổi) làm 30 công ruộng thu hoạch được 1.200 giạ lúa (24 tấn) thơm. Với giá trên 5.000 đồng một ký, vụ lúa vừa thu hoạch trước Tết Quý Tỵ vài ngày, ông Tốt thu lãi gần 60 triệu đồng. Không chỉ vậy, đàn tôm xen canh ruộng lúa cũng giúp ông Ba Tốt “bỏ túi” trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
"Lúa tôm đều trúng nên nông dân vùng này ăn Tết vui lắm. Năm ngoái cả nhà tôi thu hoạch hơn 1.000 giạ lúa đến tận giao thừa. Năm nay thu hoạch sớm hơn nên qua Tết sẽ bơm nước vào đồng chuẩn bị cho vụ mùa xen canh tôm - lúa năm sau", ông Tốt cho biết thêm.
Có tiền, nông dân đồng Chó Ngáp ra chợ mua sắm hàng Tết nhộn nhịp. Nhiều gia đình được chính quyền địa phương khuyến khích lập bàn thờ Tổ quốc ghi công trước nhà với ảnh Bác Hồ trang trọng. Đến trưa 29 Tết nhà nhà đều nấu xong nồi bánh tét để dâng lên bàn thờ ông bà, thắp nhang cúng tổ tiên.
![]() |
Ông Sử kể về "dấu tích chiến tranh" ở đồng Chó Ngáp khi đạn bắn nát vườn dừa. Nay cánh đồng năn đã thật sự hồi sinh, mô hình tôm - lúa giúp nông dân thoát nghèo. Ảnh: Duy Khang |
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Anh Thống, Bí thư chi bộ ấp Thọ Hậu cho biết hai năm qua địa phương thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ. Đường quê đang được bê tông hóa, nhiều chiếc cầu mới nối liền ấp, xã được xây dựng mới để người dân đi lại được dễ dàng chứ không còn lội ruộng, băng đồng như những ngày đồng Chó Ngáp còn là "vùng đất chết".
Duy Khang