Chiều 27/3, xe cảnh sát khu vực đậu trước quán giải khát sơn vàng hai mặt tiền trên phố Lê Hồng Phong, TP Vũng Tàu. Nhận thông báo đình chỉ hoạt động từ tay nhà chức trách, ông chủ 24 tuổi Đức Hải sững người.
Không khí gia đình những ngày sau Tết căng thẳng. Hải xin thôi việc ở ngân hàng gần nhà, quyết định Nam tiến lập nghiệp. Bố mẹ Hải chất vấn con trai suốt hai tuần, khuyên ngăn bằng nhiều cuộc nói chuyện dài và nước mắt. Tham vọng của thanh niên chuyên ngành kinh tế cao hơn sự ổn định của một nhân viên làm công ăn lương. Hải cam kết với bố mẹ, sau một năm, nếu không thành công sẽ trở lại Bắc Ninh.
Chiều 4/3, Hải bắt taxi lên sân bay Nội Bài, hành trang có ba bộ quần áo, chiếc laptop và hơn 300 triệu đồng. Một nửa số này là đi vay. Sau ba ngày rong xe máy, Hải tìm được mặt bằng khoảng 60 m2 phố Lê Hồng Phong, nằm giữa hai bãi tắm lớn nhất thành phố. Trả tiền thuê nhà tháng đầu kèm đặt cọc 3 tháng, Hải chỉ còn già nửa số tiền mang theo. Bạn góp vốn của Hải đang ở miền Bắc, chỉ đóng góp tài chính.
Chàng trai 24 tuổi một tay thiết kế bản vẽ, thuê thợ công trình, mua vật tư. Khi nhóm thợ thi công ra về, Hải một mình đục đẽo sơn sửa, hôm nào cũng 2h sáng mới lên giường. Mười tám ngày sau, tiệm trà chanh hoàn thiện, sơn hai màu vàng, lục nổi bật một góc phố, bên trong là những bộ bàn ghế và máy khâu, tủ chè, radio phong cách thời bao cấp. Chi phí cho cuộc đại trùng tu, khoảng 500 triệu đồng.
24/3, khai trương cửa hàng, chàng trai 24 tuổi lần đầu xa nhà, trở thành ông chủ quản lý 6 nhân viên. Doanh thu ngày đầu hơn 1,5 triệu đồng. "Trước nay làm ngân hàng, có ngày cầm đến cả tỷ, không vui bằng cầm 40.000 đồng từ tiệm trà của mình", Hải nói.
Hải đặt ra mục tiêu doanh thu tối thiểu ngày 3 triệu đồng, sau 6 tháng sẽ trả hết mọi khoản nợ. Sau khi kinh doanh ổn định, sẽ phát triển thêm mảng nhượng quyền, trợ giúp xây dựng mô hình kinh doanh cho những người muốn tham gia thương hiệu của mình. "Mọi chuyện đều có vẻ suôn sẻ, đến cả thời tiết cũng ủng hộ", Hải cười. Từ ngày đến, Vũng Tàu chưa có một ngày mưa, biển động. Nhưng dịch bệnh đến nằm ngoài dự liệu.
Chiều 27/3, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có văn bản tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở kinh doanh không thiết yếu ngưng hoạt động, trong đó có tiệm trà của Hải. Năm nhân viên mới đi làm 3 ngày, phải nghỉ việc.
Sự suy sụp của Hải "kéo dài 15 phút". Gạt ra khỏi đầu mọi mục tiêu ban đầu, chàng trai chấp nhận sự thật, sẽ lỗ vài tháng đầu tiên vì dịch bệnh. Con phố Lê Hồng Phong ngày thường kín người qua lại, sáng 28/3 chỉ còn duy nhất ngân hàng và vài quán tạp hóa mở cửa. Bãi biển không bóng người, con đường sách Vũng Tàu, trung tâm mua sắm, công viên đều lặng ngắt.
Bắt đầu từ ngày hôm sau, Hải chạy quảng cáo, trực fanpage cả ngày, đợi đơn online. Tin nhắn đặt hàng dầu tiên lúc 4h chiều, anh vui như lúc vị khách nữ đầu tiên bước vào quán ngày khai trương. "Hai chanh leo kim quất!", anh hô vọng xuống tầng một. Chàng pha chế đáp lại hào hứng "Sẵn sàng!". Hải thay đồng phục quán, tự chạy xe máy đi giao hàng. Tuy vậy, mỗi ngày cũng chỉ có chưa đầy chục đơn. "Miễn là khách không quên tên quán", chàng trai gốc Bắc nói và cho biết đã tự thiết kế thêm tờ rơi, đi rải quanh thành phố.
Ba tuần đóng cửa, Hải tính tổng lỗ hơn 37 triệu đồng.
Khi Hải vật lộn với biến cố đầu tiên với thương vụ đầu đời, cách đó gần 1.000 km, cô giáo trường tư Phan Bích Ngọc, 25 tuổi, quẫn bách khi tiền bạc dần cạn kiệt vì thất nghiệp. Trung tâm giáo dục STEM cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 nơi Ngọc làm việc đã dừng hoạt động.
Email của giám đốc đến vào giữa tháng Tư, khi Ngọc đang ở quê nhà tránh dịch. Ông thông báo trung tâm dừng hoạt động vì tài chính đã cạn và vừa gặp biến cố gia đình. Lẽ ra ông phải gửi thư từ hai tuần trước, nhưng phải cách ly 14 ngày chăm sóc người thân. Việc đầu tiên khi ông rời bệnh viện là tìm một cái máy tính để gửi thư cho nhân viên. Giám đốc của Ngọc xin lỗi khi không thể duy trì hoạt động của trung tâm, và mong rằng "nếu có thời điểm nào vực dậy được", các nhân viên sẽ quay trở về.
"Chưa bao giờ tôi nghĩ được rằng đại dịch có thể đóng băng mọi hoạt động xã hội, kể cả là giáo dục", Ngọc nói. Covid-19 đã khiến gần 5 triệu lao động phải ngừng hoặc mất việc, kéo tỷ lệ người có việc làm xuống thấp nhất trong 10 năm, theo báo cáo của Tổng cục thống kê vào cuối tháng 4.
Trung tâm từng là nơi cô đặt kỳ vọng nhiều nhất sau hai năm ra trường, khi được tạo điều kiện tối đa để phát triển năng lực mà không bị ai đè nén. Tốt nghiệp ngành Sinh học, hệ tài năng, Ngọc từng làm việc trong viện nghiên cứu vaccine, từng thử việc ở bệnh viện với cường độ "hai tháng không nhìn thấy ánh mặt trời" trước khi thấy niềm đam mê dạy học. Một năm làm việc, Ngọc đã nằm trong nhóm giáo viên thực lực, và đang thử sức ở vị trí chuyên gia phát triển chương trình của trung tâm. Cô dự định thi IELTS để lấy chứng chỉ, tham gia khóa học để nâng cao kỹ năng. Giờ, tất cả đều dừng lại.
Những ngày chưa có dịch, Ngọc cùng lúc đảm nhận hai vai trò: giáo viên đứng lớp dạy môn Khoa học của trường cấp 2 mà trung tâm liên kết, đồng thời là thành viên trong Ban phát triển chương trình, chuyên soạn giáo án cho các giáo viên.
Tháng Ba, công ty vẫn trả khoản lương cứng 4,7 triệu đồng dù đã tạm ngưng hoạt động gần hai tháng. Đang bước ở những nấc thang đi lên, đại dịch khiến cô gái 25 tuổi trở về điểm xuất phát. Nhưng Ngọc thấy buồn nhiều hơn cho giám đốc trung tâm. Dịch bệnh qua đi, nhân viên có thể tìm được công việc mới, còn vị giám đốc cùng một lúc mất nguyên cơ nghiệp hàng chục năm.
Những ngày còn việc, với thu nhập 8 triệu mỗi tháng, các khoản cố định của Ngọc là tiền phòng, tiền ăn mỗi khoản 2 triệu, tiền đi bệnh viện khám định kỳ, lấy thuốc trị bệnh xương, tiền xăng xe, điện thoại và "tiếp tế" một khoản cho cho em trai năm 3 đại học. Ngày về quê, Ngọc đưa cho mẹ hơn mười triệu để sửa nhà. Món tiền cuối cùng vừa rời tay thì đại dịch ập đến. Dự định kết hôn vào năm sau khi "được tuổi" có lẽ cũng hoãn lại.
Ngày thứ hai sau thất nghiệp, Ngọc bắt tay vào tìm kiếm công việc mới với từ khóa "tuyển dụng giáo viên Hà Nội". Cô nộp hồ sơ online cho hai trong số bốn trường tư đang tuyển giáo viên dạy môn Khoa học. Mục tiêu của cô là các trường tư có yếu tố nước ngoài, vì thích môi trường thử thách cao, sử dụng tiếng Anh và có cơ hội tham gia phát triển chương trình. Ngày 23/4, Bích Ngọc bắt xe ra Hà Nội ngay sau hết cách ly xã hội. Trong balo có thêm 5 bộ sơ yếu lý lịch. Mẹ làm nông, bố là một cán bộ xã mất việc, Ngọc không cho phép mình thất nghiệp quá lâu.
Đầu tháng 5, học sinh trở lại trường cũng là lúc Ngọc nhận được thông báo phỏng vấn sơ bộ của một trường tư. Nhưng trước ngày phỏng vấn, cô sốt cao 38 độ C, không ghi hình được bài giảng thử. Ngọc đành bỏ, tự cách ly ở nhà theo dõi triệu chứng. Cơn sốt biến mất ngay hôm sau, nhưng gần một tuần cô mới dám bước chân ra khỏi phòng khi không có triệu chứng bất thường. Lỡ mất cơ hội, Ngọc vẫn thấy may khi "cảm sốt thông thường, không phải mắc nCov".
Lần kế tiếp, ngôi trường ở Thanh Xuân yêu cầu kinh nghiệm từ 3 đến 5 năm, trong khi Ngọc mới đi dạy hai năm. Cô cũng phải "chọi" với hàng chục giáo viên trường tư đang tìm kiếm việc làm. Sau vòng phỏng vấn và dạy thử một tuần, Ngọc vượt qua các ứng viên khác nhờ lợi thế xây dựng chương trình và kinh nghiệm giảng dạy các môn "life science" (Khoa học sự sống).
Gần một tháng vật lộn tìm việc làm mới, Phan Bích Ngọc giờ là giáo viên Khoa học, bắt đầu những bài giảng mới bằng tiếng Anh. Đại dịch khiến cô mất việc, nhưng rồi lại mở ra cơ hội khác.
Một tháng sau cách ly xã hội, Vũng Tàu nhộn nhịp trở lại, nhưng chưa ngày nào quán trà chanh của Hải đạt được doanh thu tối thiểu 3 triệu đồng như dự tính. Nhìn các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, tuyên bố phá sản vì dịch, Hải nhận mình "còn rất may mắn". Chủ quán trà chanh hy vọng, bắt đầu có lãi từ tháng sau.
Biến cố khiến những người trẻ tuổi như Ngọc và Hải thấy mình thêm mạnh mẽ. "Vượt qua thử thách này, mọi thứ đều có thể bắt đầu lại", Hải nói.
Lam Phương