Đầu thời nhà Nguyễn, các loại pháo, thuốc súng du nhập mạnh vào Việt Nam bởi các thương gia phương Tây và Trung Hoa. Nhận thấy tầm quan trọng của thuốc nổ phục vụ việc binh, vua Gia Long đã đưa ra quy chế luyện loại vật liệu có uy lực lớn này.
Theo sách "Khâm định Đại nam Hội điển sự lệ", vào năm thứ 15 Gia Long, nhà vua đã đưa ra quy định chế thuốc nổ, gồm các loại vật liệu như diêm tiêu, lưu hoàng, than..., mỗi loại có số cân và quy trình chế tạo cụ thể.
Sau khi vua Gia Long mất, vua Minh Mạng lên ngôi nối tiếp tục quan tâm đến việc chế tạo thuốc nổ. Nhà vua đã đặt ra các bài chế tạo thuốc nổ để các sở luyện theo.
Cũng theo sách "Khâm định Đại nam Hội điển sự lệ", vào năm thứ 15, vua Minh Mạng đặt ra các bài tán luyện thuốc nổ mới, đồng thời quy định về thời gian và công thức chế thuốc nổ.
Theo đó, đến ngày luyện thuốc thì đem diêm tiêu, lưu hoàng, than trộn lẫn lộn với nhau và nấu nước chế vào cối giả, tán luyện đủ 4 ngày đêm, lại lấy ra ngay, rồi gia thêm nhân công tán bằng chày tay một ngày. Xong việc thì phái viên nha làm thí nghiệm để phân loại thuốc nổ theo độ, sau đó chứa vào hòm niêm phong và nộp lên. Nếu ở trên phát hiện thuốc nổ được luyện không đúng công thức, lập tức đem các viên nha ấy đi trị tội.
Vua Minh Mạng cũng ban sắc lệnh chế tạo thuốc nổ phải dùng tro trắng lá ô được hoặc dùng gio trắng lá xuyên luyện, có linh nhi (tức là cổ tầu khống), dã lục (tức là rau răm dại), nấu chế, viên tròn phơi ra.
Nhận thấy, cách luyện thuốc nổ dựa vào sức người rất tốn công sức, chi phí, vua Minh Mạng đã nghĩ cách dựa vào sức nước chảy của các con sông để thay thế sức người.
Theo đó, vua giao bộ Công làm 2 cỗ xe thủy hỏa ký tế đặt ở nguồn Hữu Trạch để tán thuốc; khi sức nước kích lên, cỗ xe tự có thể chuyển máy rất tiện lợi.
Để mở rộng cơ sở chế thuốc nổ, vào năm thứ 16 Minh Mạng, nhà vua cử viên quan vào vùng Quảng Nam, Quảng Nghĩa, Bình Định xem xét địa thế và nhận được thông tin những nơi này có sông thuận lợi cho việc đặt xe thủy hỏa ký tế luyện thuốc nổ.
Vua liền cho Quảng Nghĩa, Bình Định đặt 2 cơ sở luyện thuốc nổ, Quảng Nam 3 cơ sở. Tuy nhiên, chất lượng thuốc nổ tại các nơi này không bằng trường tán thuốc nổ ở kinh đô Huế.
Vào năm thứ 17 vua Minh Mạng, nhà vua cho rằng giã thuốc bằng sức nước 4 ngày đêm theo quy định cũ thì sức công phá của thuốc nổ không mạnh. Vua liền nâng ngày giã thuốc bằng sức nước lên thành 5 ngày đêm, và giã chày bằng tay một ngày. Nếu sức thuốc còn kém thì giã bằng chày tay một đến 2 ngày nữa để có được chất thuốc đúng chuẩn.
Không chỉ chú ý đến chất lượng thuốc nổ, vua Minh Mạng cũng quan tâm đến tính mạng của những binh lính tham gia luyện thuốc. Vua nghĩ rằng, tính chất thuốc nổ rất mãnh liệt, cho nên vua căn dặn những người làm việc tại trường tán thuốc phải cẩn thận. Nhà vua quy định các quan đề đốc, phủ doãn, phủ thừa ở kinh, quan tỉnh và quan lãnh binh phải thường xuyên đến các lò luyện thuốc nổ kiểm tra.
Theo ý của vua Minh Mạng, những người đi lại trên cối tán, trôm nom lau vét là người có tính thận trọng, luân chuyển với nhau; những người khác không ra vào bừa bãi.
Thuốc nổ tán không được để nơi khô ráo để tránh bốc lửa. Khu vực trường tán có hàng rào ngăn cách, bên trong không đặt vật khô nhẹ bắt lửa. Trường tán luyện thuốc nổ ngày đêm không được nhóm lửa, nếu ban đêm thắp đèn thì phải ra nơi khác rót dầu.
Những người sơ suất làm trái quy định, ảnh hưởng đến kho và mạng người thì bị xử rất nặng.
Vào năm thứ 21 vua Minh Mạng, nhà vua đã ban dụ thay đổi nguyên liệu tán thuốc nổ. Thay vì sử dụng lá xuyên luyện, lá không tâm và gio trắng nấu nước chè để chế, nhà vua đổi lại dùng lá ô dược nấu nước tán luyện, không dùng gio trắng. Quy định cách chế thuốc nổ mới này được truyền lại cho các địa phương và áp dụng về sau.
Võ Thạnh