Ngày mai, cổ phiếu MPC của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú sẽ trở lại thị trường UPCoM với mức giá tham chiếu 79.000 đồng.
Hơn 2 năm trước, ban lãnh đạo Minh Phú đã quyết định hủy niêm yết tự nguyện. Đại diện Minh Phú khi đó cho biết, công ty đang rất cần vốn nhưng thị trường chứng khoán không thuận lợi, giá cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị thực làm công ty gặp khó trong phát hành thêm cổ phiếu. Theo đó, việc rời sàn nhằm tìm đối tác chiến lược và tái cơ cấu tập đoàn và đảm bảo nguồn vốn để phát triển.
Tuy nhiên, đến nay khi Minh Phú trở lại thị trường chứng khoán, những toan tính của "Vua Tôm" cách đây hơn 2 năm vẫn chưa thể thực hiện. Công ty vẫn chưa thể tăng vốn so với lúc trước khi rời sàn, cơ cấu cổ đông cũng không có gì thay đổi. Vốn điều lệ của Minh Phú đến cuối quý II vẫn giữ nguyên ở mức 700 tỷ đồng, con số không thay đổi so với 10 năm trước khi Minh Phú lên sàn và cũng chưa cho thấy động thái nào trong việc tìm đối tác chiến lược.
Quyết định trở lại thị trường chứng khoán của Minh Phú theo đánh giá của một số chuyên gia, có phần bất đắc dĩ phải thực hiện theo quy định của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, hơn là quyết định trở lại thị trường khi đã sẵn sàng.
Cũng giống như nhiều "ông vua" khác của ngành thủy sản, danh xưng "Vua Tôm" đi cùng với Minh Phú từ ngày công ty bắt đầu lên sàn chứng khoán.
Năm 2007, Minh Phú với vốn điều lệ 700 tỷ đồng trở thành một trong những tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực thủy sản lớn nhất góp mặt trên thị trường. Thời điểm đó doanh thu xuất khẩu của Minh Phú đã vượt mốc 100 triệu USD, cùng với Camimex, Kim Anh, Minh Hải hay VietFood trở thành những trụ cột trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Tuy nhiên, khi hoạt động của Minh Phú đang ở đỉnh cao nhất, những dấu hiệu cho thấy "Vua Tôm" đang đi chệch đường ray đã xuất hiện.
Sau khi đạt kết quả kinh doanh kỷ lục vào năm 2014 với 15.000 tỷ đồng doanh thu và hơn 900 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, Minh Phú đặt kế hoạch cho năm tiếp theo hơn 19.000 tỷ đồng doanh thu và 1.400 tỷ đồng lợi nhuận.
Nhưng thực tế đã diễn ra hoàn toàn khác khi "Vua Tôm" tạo cú sốc cho thị trường thời điểm đó với kết quả kinh doanh sụt mạnh. Kết thúc năm 2015, Minh Phú chỉ đạt 12.200 tỷ doanh thu với lỗ sau thuế gần 7 tỷ đồng.
Nếu như "người láng giềng" với Minh Phú là "Vua cá tra" Hùng Vương lao đao vì tham vọng dẫn đầu khiến công ty rơi vào vòng xoáy vay nợ, mất cân đối tài chính thì hoàn cảnh của Minh Phú lại hoàn toàn khác. Câu chuyện của Minh Phú đến từ những bất ổn của thương trường, nơi mà những doanh nghiệp càng lớn thì ảnh hưởng sẽ càng nặng nề.
Theo ban lãnh đạo công ty, hoạt động xuất khẩu của Minh Phú thời điểm đó gặp rất nhiều khó khăn. Các nước Ấn Độ, Indonesia phá giá đồng tiền, khiến giá sản phẩm tôm từ các nước này trong năm 2015 chỉ bằng 50% so với các năm trước. Ngoài ra, chi phí nuôi tôm trong nước cao khiến giá tôm Việt Nam cao hơn các nước khác 20%. Với tình hình giá tôm ngày càng giảm, một số khách hàng đã ký hợp đồng trì hoãn nhận hàng hoặc hủy hợp đồng.
Với vị thế là doanh nghiệp lớn trên thị trường xuất khẩu, nếu Minh Phú bất chấp thị trường chạy theo cuộc đua về giá, giải phóng lượng hàng tồn kho, có thể năm 2015 Minh Phú sẽ cứu vãn được tình hình kinh doanh, nhưng ảnh hưởng những năm sau đó sẽ vô cùng nặng nề. Giá tôm của Minh Phú vốn không thể cạnh tranh với các nước khác do chi phí cao và tỷ giá. Nếu đẩy thị trường quốc tế vào cuộc chiến về giá, những năm sau đó chắc chắn Minh Phú sẽ không thể trụ được, chưa kể chuỗi giá trị con tôm của công ty sẽ đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Trong tình cảnh khó khăn về hoạt động kinh doanh, cơ cấu tài chính của Minh Phú cũng bộc lộ những điểm yếu nhất định. Năm 2014 ở thời kỳ đỉnh cao khi tổng tài sản của công ty đạt gần 9.300 tỷ đồng, thì đến hơn 7.000 tỷ đồng được tài trợ bằng nợ phải trả.
Việc sử dụng đòn bẩy tài chính, tương tự như nhiều doanh nghiệp thủy sản lớn khi đó có thể giúp khuếch đại các chỉ số sinh lời nhưng khi gặp khủng hoảng, đây lại trở thành con dao 2 lưỡi với doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của Minh Phú năm 2015 sụt giảm nặng nề cũng đến từ chi phí tài chính quá lớn. Thời kỳ đó, Minh Phú ghi nhận hơn 440 tỷ đồng chi phí tài chính, bằng 45% lợi nhuận gộp, trong đó quá nửa là chi phí lãi vay.
Ở thời kỳ đỉnh cao năm 2014, Chủ tịch Lê Văn Quang từng tuyên bố "Minh Phú muốn lợi nhuận bao nhuận bao nhiêu là quyền của Minh Phú" thì chỉ sau đó một năm, "Vua Tôm" đã chịu cảnh lao đao vì khủng hoảng.
Năm 2016, Minh Phú đặt mục tiêu hơn 16.300 tỷ đồng doanh thu và gần 550 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Nhưng đến hết năm, hoạt động của công ty vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn khi doanh thu chỉ gần 12.000 tỷ đồng với lợi nhuận vỏn vẹn 82 tỷ.
Niềm hy vọng của Minh Phú đang trở lại trong thời gian gần đây với kết quả tăng đột biến vào quý II năm nay. Công ty báo lãi gần 160 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017, gấp 8 lần cùng kỳ, với doanh thu gần 6.400 tỷ đồng. Dù vậy, kết quả này vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu tham vọng được ban lãnh đạo Minh Phú đề ra từ đầu năm - 15.780 tỷ đồng doanh thu và 840 tỷ đồng lợi nhuận.
Việc quay trở lại sàn chứng khoán dù chưa sẵn sàng cũng có thể là cơ hội tốt cho Minh Phú cải thiện hình ảnh, đặc biệt là tiếp tục thực hiện những "toan tính" khi công ty rời khỏi thị trường 2 năm trước. Cho dù, chặng đường tiếp theo với "Vua Tôm" được nhận định cũng không mấy dễ dàng.
Minh Sơn