BS. Trang Xuân Chi
Theo thống kê, nhiều nước trên thế giới có tới 10-20% bệnh nhân bị hội chứng ruột dễ bị kích thích (HCRDKT) ở tuổi trung niên, giới nữ bị nhiều hơn nam theo tỷ lệ 3-4:1, điều tra sơ bộ ở nước ta cũng thấy kết quả tương tự, 18% bị HCRDKT thuộc lứa tuổi đang lao động, nữ giới 22%, nam bị 13,8%.
HCRDKT có 3 thể tùy theo triệu chứng: thể lỏng, thể táo, và thể táo lỏng xen nhau.
Thể lỏng gặp nhiều hơn, thường có triệu chứng đau tức vùng bụng (thường ở bên dưới trái), lúc sáng dậy hay đau sau ăn sáng, bắt buộc phải đi đại tiện ngay, phân lỏng hay táo bón, đầy hơi trướng bụng kéo dài, đại tiện xong là cảm thấy dễ chịu. Phân không thành khuôn, lỏng, nát, có nhầy, nhầy thường có nhiều vào buổi sáng đặc biệt là phân không có máu. Có thể đại tiện có phân sống, có lẫn bã thức ăn chưa tiêu hết. Khi ăn uống bất thường, thay đổi thời tiết, thay đổi sinh hoạt... các triệu chứng trên lại tái phát, nặng thêm. Trong thể táo hơn 3-4 ngày mới đại tiện một lần, hoặc lâu hơn nữa, phân vón cục cứng đoạn đầu bắt phải rặn đoạn sau phân ướt bọc nhiều chất nhầy đặc, hơn 4 ngày mới đại tiện một lần. Thường người bệnh rất đau nhưng cũng có người không đau. Hiện tượng đi lỏng giả: phân vẫn cục cứng nhưng lẫn với nước nhiều. Thường trong ngày vẫn bị đầy hơi, tức bụng ở vùng trên rốn, ợ hơi hoặc trung tiện được thì dễ chịu. Ban đêm ngủ thường hay bị sôi bụng và cuộn ruột thành thừng di động, nhất là khi bị lạnh, nhưng ít khi phải thức dậy để đi đại tiện. Người bệnh thường tự giác kiêng các loại thức ăn như: tôm, cua, ốc, ếch, cá, trứng, sữa, mỡ, chua, cay, ngọt... vì sợ ăn các thứ ấy vào bệnh dễ tái phát. Ngoài ra còn có những triệu chứng khác như hay đau đầu theo thời tiết, hay hồi hộp, dễ vui cũng dễ buồn, hay đau lưng, ra mồ hôi chân tay, đi tiểu buốt...
Về nguyên nhân người ta chưa rõ chỉ phát hiện có rối loạn vận động cảm giác của ruột kèm theo rối loạn về tâm lý.
Chẩn đoán HCRDKT dựa vào các tiêu chuẩn như: Trong một năm ít nhất có 3 tháng liên tục hay tái phát nhiều lần, bị đau hoặc khó chịu ở bụng, không tìm thấy dấu hiệu thực tổn hay các rối loạn về chức năng sinh hóa, và kèm theo 2 hoặc 3 trong các đặc điểm sau đây: giảm đau sau đại tiện, đại tiện thất thường, đi lỏng ngày 3-4 lần, táo bón (3-4 lần trong tuần), phân lỏng, ướt, nát hoặc cục cứng. Đại tiện có cảm giác đi chưa hết phân còn muốn đi thêm, phân nhầy, đầy hơi trướng bụng.
Tuy nhiên cần phải loại trừ một số bệnh thường gặp: viêm túi mật mãn tính, viêm loét dạ dày - hành tá tràng (qua nội soi dạ dày - tá tràng), ung thư đại tràng (qua nội soi ống mềm đại tràng). Chụp Xquang khung đại tràng có thuốc cản quan, để phát hiện hình ảnh bệnh lý và vận động của đại tràng; siêu âm gan mật, xem lượng mỡ trong gan; cũng cần xét nghiệm phân tìm các vi khuẩn đường ruột, các nấm gây bệnh.
Điều trị HCRDKT là điều trị triệu chứng. Hiện nay có những loại thuốc chữa chứng đau như spasfon, mebeverine; chứng đi lỏng như imodium, loperamide, berberin, smecta...; chứng táo: psyllium, lactulose; chứng rối loạn vận động tiêu hóa: cisaprid, prepulsid..., rối loạn thần kinh tâm thần: amitryptilin... Tuy nhiên, dùng loại thuốc gì, liều lượng như thế nào phải có sự hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa, người bệnh không nên tự ý dùng, hoặc đi mua thuốc theo triệu chứng chủ quan của bệnh mình.
BS. Trang Xuân Chi