"Ở đây từng có rừng sồi, nhưng bây giờ toàn đất cằn", Gabriel del Barrio nói, chỉ về ngọn đồi với những bụi cây thấp bé.
Barrio, chuyên gia về sa mạc hóa tại EEZA, trung tâm nghiên cứu các vùng khô hạn, đang theo dõi tình trạng đất suy thoái ở Almeria, vùng Andalusia, nam Tây Ban Nha.
"Tây Ban Nha sẽ không trở thành sa mạc cồn cát như ở Sahara về mặt hình thái học", ông giải thích. Tuy nhiên, tình trạng sa mạc hóa có đặc trưng là "đất đai xuống cấp nghiêm trọng" làm mất khả năng trồng trọt đang "rất đáng lo ngại".
Những nguyên nhân khiến đất đai sa mạc hóa là sự nóng lên toàn cầu thúc đẩy nhiệt độ tăng cao dẫn tới nước nhanh bốc hơi, cháy rừng nhiều hơn, đồng thời cũng có yếu tố con người như thâm canh kéo dài.
Almeria thuộc vùng khí hậu rất khô đã trở thành vựa rau củ của châu Âu với 40.000 ha nhà kính, sản xuất hàng nghìn tấn cà chua, ớt, bí xanh và dưa chuột mỗi năm.
Nhưng các khu vực trồng trọt rộng lớn này đang làm vấn đề khô hạn nghiêm trọng hơn bởi sử dụng nước ngầm và "hút kiệt các tầng ngậm nước", Barrio giải thích.
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Almeria. Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Chống sa mạc hóa, 75% đất đai ở Tây Ban Nha đang đối mặt các điều kiện khí hậu có thể dẫn tới sa mạc hóa, khiến đất nước trở thành quốc gia châu Âu bị đe dọa nghiêm trọng nhất.
"Vấn đề này đặt chúng ta vào tình huống phức tạp, khi nhiệt độ khắc nghiệt, hạn hán và những yếu tố khác làm nguy cơ xói mòn và suy thoái đất nghiêm trọng hơn", Bộ trưởng Sinh thái Tây Ban Nha Teresa Ribera hồi tháng 6 cảnh báo.
Theo Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha (CSIC), báo cáo của EEZA cho thấy tình trạng suy thoái đất đã tăng gấp ba lần trong 10 năm, gây ra vấn đề "không thể đảo ngược". Đất đai không thể giữ nước hoặc chất hữu cơ, dẫn tới không thể trồng trọt chăn nuôi. Đây là vấn đề gây lo ngại lớn tại quốc gia nông nghiệp đạt giá trị xuất khẩu hàng năm khoảng 66 tỷ USD.
"Xói mòn đất đai hiện là vấn đề lớn nhất đối với hầu hết nông dân Tây Ban Nha", UPA, tổ chức đại diện cho hộ nông dân và hộ chăn nuôi nhỏ, cảnh báo. Theo UPA, tình hình đang "rất nghiêm trọng" và có thể gây "tổn thất kinh tế" đáng kể.
Tại Andalusia, tình hình xói mòn buộc các chủ trang trại phải thay đổi. Juan Antonia Merlos, 40 tuổi, sở hữu trang trại trồng hạnh nhân rộng 100 ha tại những ngọn đồi phía trên Velez-Blanco, cho hay "chúng tôi phải tự hành động, không đầu hàng số phận".
Cùng một số nông dân trong hiệp hội mang tên AlVelAl, Merlos ứng dụng phương pháp cải tạo sau khi tiếp quản trang trại của bố mẹ ba năm trước. Phương pháp được cấp chứng nhận hữu cơ, có tác dụng "ngăn chặn suy thoái đất".
Họ sử dụng phân chuồng thay vì phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu, hạn chế cày bừa, sử dụng lá cây che phủ đất để giữ độ ẩm trong những đợt mưa hiếm hoi.
"Đây là công việc lâu dài" sử dụng kỹ thuật đã có từ nhiều năm, Merlos nói khi đang kiểm tra cây lúa mạch trồng dưới gốc cây hạnh nhân.
"Về lý thuyết, cần 7 năm để thấy được kết quả từ nông nghiệp tái tạo. Nhưng tôi đã bắt đầu nhận thấy khác biệt với đất và côn trùng", anh nói.
Ngoài việc kêu gọi nông dân áp dụng phương pháp mới, các hiệp hội môi trường đang thúc đẩy canh tác kiểu mới và trồng cây tiêu thụ ít nước hơn.
"Chúng ta cần điều chỉnh nhu cầu dựa theo nguồn nước để giảm rủi ro cho cả con người và ngành sản xuất trong thời kỳ khan hiếm", Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên kêu gọi.
Barrio đồng quan điểm với ý kiến này. "Chúng ta phải tìm ra sự cân bằng giữa đảm bảo lương thực mà không ảnh hưởng tới đất đai", ông nói. "Chúng ta cần quản lý đất đai bền vững để tránh biến tài nguyên thành những mảnh đất không sự sống".
Hồng Hạnh (Theo AFP)