Ngày 8/10, đại diện Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, nói đớ, có bệnh lý nền tăng huyết áp, đái tháo đường. Bác sĩ chẩn đoán đột quỵ nhồi máu não, can thiệp lấy huyết khối thành công, người bệnh tỉnh táo, bớt nói đỡ, cơ lực cải thiện, được rút ống thở. Sau đó, bà đột ngột đau ngực trái, xét nghiệm ghi nhận men tim tăng, khó thở tăng dần, mệt, vã mồ hôi, SpO2 bắt đầu giảm thấp.
Êkíp tiến hành đặt ống thở lần hai, can thiệp chụp DSA, ghi nhận bệnh mạch vành ba nhánh, trong đó nhánh bên phải hẹp 70-80% và hai nhánh còn lại hẹp 80-90%. Bệnh nhân được đặt hai stent cùng lúc vào hai nhánh bên trái nhằm xử trí tình trạng hẹp nghẽn dòng máu lưu thông đến tim, mở rộng lòng mạch.
Sau can thiệp, tình trạng huyết động người bệnh dần ổn định, ngưng thuốc vận mạch, cai ống thở. Hiện, bệnh nhân tỉnh, không yếu liệt, khó thở hay đau ngực, vận động gắng sức tốt, chuẩn bị xuất viện.
ThS.BS Trần Tấn Việt - Trưởng Khoa Can thiệp Tim mạch cho biết trường hợp liên tiếp đột quỵ đến nhồi máu cơ tim như trên không gặp nhiều. Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim ngay sau đột quỵ phải đối diện với hai biến cố lớn về não và tim mạch trong cùng một thời điểm điều trị. Trong đó, nhồi máu cơ tim cấp xảy ra khi tổn thương mạch vành tắc nghẽn một phần, dẫn đến nhu cầu oxy của tim không được đáp ứng, gây tổn thương cơ tim. Bệnh nhân nguy cơ đột tử ngoại viện nếu không điều trị kịp thời.
Với những bệnh nhân này, điều trị và kiểm soát huyết áp, đường huyết, mỡ máu là rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh lý tim mạch cũng như biến chứng. Người bệnh cần dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ và tái khám đều đặn, thay đổi lối sống, ngưng sử dụng thuốc lá hay rượu bia, nên tập luyện và tránh căng thẳng trong cuộc sống. Áp dụng dinh dưỡng lành mạnh và tốt cho tim mạch như hạn chế ăn mặn và thực phẩm chế biến sẵn, ăn nhiều trái cây và rau củ, phòng tái phát đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Mỹ Ý