"Chào Thông, lô hàng đã lên tàu. Mọi chi tiết văn phòng tôi sẽ gửi cho các ông sau".
Đó là nguyên văn email của Damco, một trong những công ty dịch vụ hậu cần lớn nhất châu Âu, gửi đến hòm thư Phan Minh Thông vào một buổi sáng cuối năm 2007.
Câu chuyện bắt đầu khi Thông tham gia hội chợ thực phẩm, đồ uống lớn nhất thế giới tại Đức và nhận yêu cầu chào giá 50 container hạt tiêu từ Mike Tyson, một vị khách người Bulgaria.
Vài tuần sau, Thông chỉ gom được 37 container vì đơn hàng không đúng chính vụ thu hoạch. Đối tác đồng ý giá 6.300 USD một tấn, tạm ứng 10% và thanh toán phần còn lại nhờ thu qua một ngân hàng có tiếng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thông vay lãi suất đến 22% để trả tiền hàng cho nhà cung cấp, và hăm hở cho vụ làm ăn lớn nhất từ khi theo nghề buôn nông sản.
Khi hàng trên đường đến cảng Varna (Bulgaria), phía ngân hàng thông báo không tìm được thông tin như vị khách cung cấp. Mike, trong những cuộc gọi và e-mail qua lại, vẫn không ngừng yêu cầu Thông cung cấp số vận đơn và thay đổi thông tin thanh toán. Bộ chứng từ đã chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ, nếu rơi vào tay khách thì có thể mất trắng 3,6 triệu USD. Giữa thời điểm khủng hoảng toàn cầu, hàng loạt công ty phá sản theo hiệu ứng domino khiến Thông không dám nghĩ tiếp về kịch bản xấu nhất.
Hàng cập cảng. Chứng từ được trả vì ngân hàng nhận thấy dấu hiệu lừa đảo. Mike tiếp tục đòi hàng, trong khi điều Thông băn khoăn là làm thế nào để bốc hàng ra khỏi cảng. Tình thế xoay chuyển liên tục buộc anh đứng trước một quyết định cân não: có nên uỷ quyền cho một hãng hậu cần ở châu Âu để xử lý nhanh chóng việc này không?
Thông chọn có, nhưng cũng mất hơn nửa tháng để giải quyết vì người mua và luật sư không ngừng gây áp lực.
"Giả sử mất bộ chứng từ vào tay khách và sau đó không nhận e-mail của Damco, tôi có thể đã phá sản và hôm nay không còn ngồi đây chia sẻ về hành trình xây dựng Công ty cổ phần Phúc Sinh với tư cách một người đầu tàu", Thông nói.
GIAN NAN NGÀY ĐẦU KHỞI NGHIỆP
18 năm trước, Thông chủ động nghỉ việc tại một công ty quốc doanh khi những ngày làm việc liên tục từ sáng sớm đến 10 giờ đêm không mang lại cho anh cơ hội thăng tiến.
Thông mở công ty buôn nông sản nhờ hai tài sản đắt giá: 60 triệu đồng tiết kiệm và những mối làm ăn trước đó. Trụ sở đầu tiên là một căn phòng 25 mét vuông, không quá chật chội nhưng cũng chẳng thừa tiện nghi cho bốn người làm việc.
"26 tuổi, tôi không còn sự lựa chọn nào tốt hơn ngoài làm ăn riêng. Tôi làm việc điên cuồng, 20 tiếng một ngày là bình thường nên chẳng có thời gian nghĩ đến áp lực, được mất hay kế hoạch ngắn dài thế nào. Tôi chưa bao giờ tắt điện thoại qua đêm, tin nhắn đến lúc một giờ sáng vẫn bật dậy trả lời. Mục tiêu duy nhất lúc ấy là phải cho công ty tồn tại", Thông bộc bạch.
Thông tận dụng lợi thế tiếng Anh để làm việc với nhiều khách hàng nước ngoài. Anh thương thuyết giảm giá bán để khách "cấp tín dụng" bằng việc ứng trước phân nửa, thậm chí toàn bộ tiền hàng. Anh trả phí cao hơn cho hãng tàu để lùi thêm vài tuần thanh toán hoá đơn.
Thông nhận một đơn hàng hơn 50.000 USD không lâu sau khi lập nghiệp. Anh xoay tiền chỗ này trả chỗ khác để gom hàng, nhưng vẫn thiếu. Giá tiêu nhích lên mỗi giờ, nếu không kịp mua và giao hàng thì chẳng mấy chốc lỗ nặng. Trong thế "nghìn cân treo sợi tóc", Thông tìm thông tin của đại diện ngân hàng nhà nước tại TP HCM. Thuyết phục vay vốn qua điện thoại bất thành, anh xộc thẳng vào văn phòng vị này để trình bày tường tận.
"Tìm kiếm tín dụng không khác gì lao vào đá rồi nảy ra. Tôi may mắn 'không biết xấu hổ', đã muốn là nhất định làm bất chấp người ta từ chối hay nặng lời. Các khâu trong nghề xuất nhập khẩu móc nối nhau như một hơi thở, không tìm được hàng thì kết thúc", Thông kể lại gian nan trong những năm đầu kinh doanh.
BIỆT DANH 'VUA HỒ TIÊU'
Thẳng thắn và gan lỳ, theo Thông, là những tố chất anh được thừa hưởng khi sinh ra và lớn lên trên đất Cảng. Hơn 20 năm lên thủ đô học rồi vào Sài Gòn lập nghiệp, Thông luôn nhắc đến quê hương và gia đình trong những cuộc hàn huyên với bạn bè. Phòng họp lớn nhất trong trụ sở hiện tại của Phúc Sinh cũng được anh đặt tên "Hai Phong".
"Người Hải Phòng phóng khoáng, trọng chữ tín, chí thú làm ăn nhưng về quê lại bí bách. Nếu vào miền Nam hay xuất ngoại thì chúng tôi như cá gặp nước, bởi người dân những nơi này ưa hiện đại và dễ chấp nhận cái mới", Thông nói.
Giao thương nhộn nhịp ở Hải Phòng sau thời kỳ đất nước mở cửa là ngôi trường dạy Thông những bài học vỡ lòng trong làm ăn. Phụ mẹ bán hàng từ năm 10 tuổi cũng tôi luyện cho anh sự nhạy cảm của người làm kinh doanh. Bây giờ sau vài câu chào xã giao với một người lạ qua điện thoại, anh có thể khẳng định họ đang thăm dò hay thực sự muốn mua hàng.
Đúng lúc sự nghiệp phất lên thì năm 2004, mỗi ngày Thông nhận và chật vật giải quyết hàng chục khiếu nại về chất lượng. Phúc Sinh khi đó chưa phải lựa chọn hàng đầu, nếu không có Thông thì vẫn còn hàng dài doanh nghiệp chờ họ hợp tác. Từ một người buôn, Thông đổ tiền lời kiếm được trong ba năm để xây nhà máy chế biến tiêu. Thông giao anh trai quản lý, còn mình tìm nguồn nguyên liệu đầu vào và mang hàng đến triển lãm quốc tế để kiếm thêm đầu ra.
Tình huống tương tự xảy ra với cà phê sau đó vài năm, khi khách liên tục phàn nàn về chất lượng hàng của Phúc Sinh. Thông rót vốn xây thêm một nhà máy mà không đắn đo nhiều như lần đầu tiên. Anh cũng đăng ký các chứng nhận an toàn thực phẩm để chiều theo ý khách hàng quốc tế khi thị trường trong nước chưa quan tâm. Nhiều người trong nghề khi đó gọi anh là kẻ điên, thích chơi trội. Anh đáp lại rằng khí chất "dân đất Cảng", độc lập và không sợ phán xét, thôi thúc anh làm điều đó.
Cuối năm 2010, phòng kế toán báo chốt sổ với doanh số 130 triệu USD. Quy mô hoạt động của một doanh nghiệp vừa thương mại, vừa sản xuất bành trướng nhanh vượt sức tưởng tượng của chàng trai mới lập nghiệp chín năm.
Vượt qua đối trọng lớn nhất là những công ty đa quốc gia đặt văn phòng tại Việt Nam, Phúc Sinh leo lên vị trí số một về xuất khẩu tiêu trong nhiều năm. Thông, từ một kẻ điên vô danh, nay được nhắc đến với biệt danh "Vua hồ tiêu". Thừa nhận công ty của mình đóng góp không nhỏ để nông sản Việt Nam, nhất là hạt tiêu, có chỗ đứng trên thị trường thế giới nhưng Thông nói rằng sau rất nhiều năm thì vẫn còn nguyên cảm giác ngượng ngùng khi được gọi như thế.
THÀNH CÔNG HÔM NAY LÀ QUÁ KHỨ
18 năm kinh doanh đều lãi và có thời điểm Phúc Sinh chiếm đến 20% doanh thu xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam, nhưng Thông vẫn chưa dứt nỗi lo về những kịch bản xấu. Anh nói rằng mình may mắn vì được sinh ra trong một gia đình không có điều kiện về vật chất khi nhìn lại hành trình gầy dựng công ty từ bốn người lên đến 600 nhân viên như hôm nay. Sau những cú lừa suýt phá sản và chứng kiến hàng loạt công ty trăm tuổi đóng cửa, anh không còn quá vui mừng hay đau khổ vì chuyện vinh nhục như lúc chập chững vào nghề.
Những con số thống kê không ít lần đưa Phúc Sinh xuống vị trí thứ hai, thứ ba... trong ngành. Thông không vội vã chiếm lại, mà chỉ nhắc mình bằng dòng chữ dán khắp nơi trong văn phòng: Thành công hôm nay đã là quá khứ.
"Thành công và thất bại luôn đan xen nhau, đôi khi lằn ranh rất mỏng nhưng trạng thái lại đối nghịch từ đỉnh cao đến vực sâu", Thông viết trong quyển sách của riêng mình.
Trong một lần tham dự hội chợ ở Indonesia, Thông thấy doanh nghiệp nước ngoài làm tiêu trắng nên cũng bỏ tiền mua một container nguyên liệu để thử. Anh cũng trăn trở vì sao Việt Nam là thủ phủ hạt tiêu nhưng chỉ xuất thô mà không chế biến khi bắt gặp một lọ nước sốt tiêu trên kệ siêu thị châu Âu. Gần nhất anh cũng nhất quyết làm tiêu sấy lạnh khi thấy hàng loạt công ty đua nhau làm rau củ bằng cách này.
Trả lời câu hỏi về việc Phúc Sinh sẽ làm gì tiếp theo khi sản phẩm luôn bị bắt chước sau 1-2 năm ra mắt, Thông khẳng định mình luôn có những kế hoạch bất ngờ. Thông làm mọi thứ trước đây bằng bản năng sinh tồn. Sự chuẩn bị mới chỉ đến từ lúc anh cảm nhận mình lớn dần và hơi nóng phả vào gáy từ những doanh nghiệp phía sau.
"Ngành này biến động không ngừng, ngày mai là một phiên bản khác hoàn toàn so với hôm nay. Tôi phải dặn mình như thế để bản thân không ngủ quên với men say chiến thắng", Thông chia sẻ.
Thông bước loạng choạng khi rời văn phòng lúc chập tối. Một ngày quay cuồng chạy theo giá thị trường thế giới với những con số tăng giảm liên tục gần như vắt kiệt sức anh. Trong đầu anh bật ra một suy nghĩ: Đừng bệnh vào lúc này, nếu không ai sẽ điều hành 7 nhà máy và hàng trăm nhân viên bên dưới.
"Ra khỏi văn phòng tôi rất ngây ngô. Kinh doanh quá vất vả buộc tôi chọn một đời sống cá nhân đối lập hoàn toàn với sự xô bồ của công việc", Thông chào tạm biệt và lái xe trở về với không gian đọc sách, thưởng tranh của mình trong một khu đô thị ở phía Nam thành phố.
Phương Đông
Ảnh: Hữu Khoa