Ngôi nhà của ông Ẩn nằm ẩn mình sau con phố sầm uất, cách chợ Mũi Né (TP Phan Thiết) chừng 500 m. Trên khu đất rộng gần 5 sào do ông bà tổ tiên để lại, ông Ẩn trồng dừa, hoa kiểng và dựng hai gian nhà rộng gần 200 m2 trưng bày cổ vật rộng mà ông sưu tầm suốt 30 năm qua, mở cửa đón khách miễn phí.
Ngồi dưới bóng dừa mát rượi, bên tách trà thơm, ông Ẩn say mê kể về hành trình đam mê sưu tầm đồ cổ của mình. Ông cho biết, năm học lớp 6 đã bắt đầu mê lịch sử khảo cổ khi xem hình ảnh những người thượng cổ dùng rìu đá săn voi ma mút trong sách lịch sử. Câu hỏi làm cách nào người xưa chế tác được công cụ săn bắt thú luôn gây tò mò đối với cậu học trò 11 tuổi.
Chưa thỏa mãn với các bài học trên lớp, cuối tuần cậu Ẩn thường bắt xe đò từ Mũi Né vào trung tâm Phan Thiết (trên quãng đường 20 km) để mượn sách lịch sử khảo cổ tại Thư viện tỉnh Bình Thuận về đọc. Cùng đọc sách, Ẩn quan sát mọi thứ xung quanh, nhất là những ngôi mộ, những ngôi nhà cổ rêu phong trong làng để đối chiếu với lý thuyết sách vở. "Sự tò mò chính là cơ duyên dẫn tôi đến với niềm đam mê đồ cổ", ông Ẩn cho biết.
Năm 1987-1990, ở Mũi Né rộ lên việc các ngôi mộ cổ bị một số kẻ lạ mặt đến đào bới tìm vàng bạc châu báu vào ban đêm. Điểm kinh doanh nông sản của gia đình nằm gần chợ, nên sáng sớm nào cậu Ẩn cũng biết tin có những ngôi mộ vừa bị kẻ trộm đào phá. Người thân của các ngôi mộ thương khóc, cúng tế, chôn lại xương cốt. Cậu tìm đến xin lại số chén bát, đồ gốm bỏ lăn lóc ở hiện trường và thuê người gánh về nhà mình.
Thấy cháu mang về từng lố chén bát, bình gốm, đồ dùng của người chết đổ đống sau vườn, bà nội của Ẩn tỏ ý không hài lòng và hay phàn nàn về chuyện này, vì lo sợ ma quỷ theo ám. Không để bà lo, Ẩn đã âm thầm đào hố bỏ từng gánh đồ cổ xuống, phủ cát lên như không có gì xảy ra. "Không ngờ mấy chục năm sau, khi đào lên, tôi lại sở hữu một kho đồ cổ đồ sộ ít ai có được", ông Ẩn nói.
Ngày rảnh rỗi, Ẩn cũng thường tìm đến những người lớn tuổi chơi đồ cổ ở Phan Thiết để học hỏi kinh nghiệm và trao đổi những món đồ mà cậu thích. Gia đình chuyên nghề buôn bán nông sản, Ẩn cũng có đồng ra đồng vào. Có bao nhiêu, Ẩn dồn tiền mua lại đồ cổ khi biết ai đó cần bán. Các vựa ve chai, những người làm nghề xây dựng trong vùng đều biết đến niềm đam mê đồ cổ của Ẩn. Hễ có món gì cổ xưa, họ đều bán theo mớ cho cậu với giá rẻ.
Ở giữa nhà trưng bày cổ vật tại tư gia hiện có một tấm bia khắc chữ cổ của thời kỳ tiền AngKor, vương quốc Phù Nam. Bia đá này được ông Ẩn đổi ngang một bộ tách trà cổ (trị giá 2 chỉ vàng) từ một người mua cổ vật ở Kiên Giang vào năm 1995. Nay nhiều người gạ mua lại với giá hàng tỷ đồng nhưng ông không bán vì từng món đồ sưu tầm được đối với ông đều vô giá.
Dần dần kho đồ cổ càng lúc càng đầy thêm, kiến thức về đồ cổ của ông Ẩn cũng tích lũy sâu hơn. Nơi nào đang đào cổ vật, khảo cổ, ông cũng đến xem. Nghe đâu có hội thảo chuyên ngành, ông cũng chịu khó bắt xe đến, xin dự để nghe các giáo sư, các chuyên gia phân tích về cổ vật. "Nhờ đó, bây giờ nhìn qua, tôi biết được cổ vật đó ở thời nào, có giá trị gì", ông Ẩn nói.
Đến nay, bộ sưu tập của ông Nguyễn Ngọc Ẩn đã có trên 40.000 cổ vật giá trị, có tính tổng quát cả nước và quốc tế. Đồ đá, đồ đồng từ thời nguyên thủy, thời Đông Sơ, đồ trang sức văn hóa Óc Eo, Sa Huỳnh, đồ gốm các triều đại Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan; các tượng Kut, gốm cổ, đồ dùng của người Chăm cổ; dụng cụ, trang sức của các dân tộc thiểu số ở miền Trung, Tây Nguyên... ông đều có. Trong đó đáng chú ý với bộ đàn đá 20 thanh được ông sưu tầm ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), có niên đại hơn 3.500 năm, được xem "độc nhất vô nhị".
Những năm gần đây, một số khu resort ở Mũi Né biết ông Ẩn làm bảo tàng tại gia với bộ sưu tập đồ sộ cổ vật quý hiếm đã xin đưa khách đến tham quan, tìm hiểu văn hóa Việt Nam, văn hóa làng chài Mũi Né, Bình Thuận. Những lúc khách đến thăm, ông Ẩn không tiếc thời giờ thuyết minh miễn phí cho mọi người biết về giá trị văn hóa, lịch sử tiềm ẩn sau mỗi món cổ vật.
Cuối tháng Chạp, gia đình bận rộn công việc kinh doanh thực phẩm, nhưng ông Ẩn vẫn dành thời gian sửa sang, sắp xếp lại khu bảo tàng tư nhân của mình để phục vụ du khách yêu thích văn hóa và lịch sử trong dịp Tết Canh Tý. "Cái gì mình có, mình đều chia sẻ để mọi người cùng biết. Chúng ta càng hiểu văn hóa, hiểu lịch sử, mới quý trọng công lao của tiền nhân", ông Ẩn nói.
Không những là "vua đồ cổ" ở Mũi Né, ông Ẩn còn là nhân vật khá nổi tiếng trong giới sưu tầm cổ vật ở Việt Nam nhờ các hoạt động hiến tặng cổ vật. Trong vòng 5 năm qua, ông đã hiến tặng hơn 8.500 cổ vật cho 19 bảo tàng trên cả nước. Hàng chục bằng khen của các tỉnh, thành treo trên tường ghi nhận sự đóng góp đó của ông; trong đó có kỷ niệm chương vì sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.