Tiếp theo bài tập kháng lực chân, anh Đức được điều dưỡng hướng dẫn xoay trở người để chống loét và tập hít thở phục hồi phổi.
Nhập viện được 2 ngày, hôm 4/9 anh Đức đột ngột trở nặng, phải thở máy oxy liều cao. Trong suốt thời gian thở máy và điều trị Covid-19, anh được tập phục hồi chức năng hàng ngày ngay trên giường bệnh.
Tương tự, vợ anh Đức là chị Nguyễn Thị Thương, 42 tuổi, nhập viện trước chồng một ngày, cũng đột ngột trở nặng phải thở máy. "Mỗi sáng các điều dưỡng hướng dẫn tôi tập các bài tập thở để phục hồi phổi, SpO2 nâng dần lên tôi thấy dễ chịu hơn. Tôi cũng tập các bài cho tay, xoay người, nhưng mức độ bài tập nhẹ hơn chồng", chị Thương nói.
Chị Thương cho biết cả gia đình 4 người đều mắc Covid-19, điều trị tại Bệnh viện Phục hồi Chức năng 1A trong tình trạng rất nặng, suy hô hấp. Nhờ các bác sĩ vừa điều trị vừa hướng dẫn tập luyện, hiện nay sức khỏe của hai vợ chồng và các con hầu như phục hồi hẳn, không có các di chứng như mệt mỏi, đau cơ.
"Chúng tôi như được hồi sinh, đã được chuyển sang khu Phục hồi chức năng sau Covid-19 và vẫn tiếp tục tập các bài tập cường độ cao hơn, sức khỏe cải thiện rất nhiều, khả năng vận động cũng tốt hơn", chị Thương chia sẻ.
Bác sĩ Hoàng Tường, Đơn vị điều trị Covid-19 Bệnh viện 1A, cho biết: "Chúng tôi áp dụng phục hồi chức năng cho tất cả các bệnh nhân từ nhẹ đến nặng ngay tại giường bệnh. Tùy vào mức độ bệnh, sức của mỗi bệnh nhân mà có các bài tập khác nhau". Với những bệnh nhân nặng, thở máy, kỹ thuật viên tập hỗ trợ tống xuất đàm nhớt, tập mạnh cơ hô hấp, tập xoay trở chống loét và vận động thụ động. Đa số bệnh nhân cho biết khả năng hít thở và tình trạng đàm nhớt giảm đáng kể sau mỗi lần tập phục hồi chức năng.
Theo bác sĩ Calvin Q Trịnh, Bệnh viện Phục hồi Chức năng 1A, ngay trong giai đoạn điều trị cấp tính như thở máy, các kỹ thuật viên phục hồi chức năng tham gia hỗ trợ bệnh nhân hô hấp, can thiệp hỗ trợ cải thiện quá trình oxy hóa, bài tiết đường thở và ngăn ngừa viêm phổi do hít, đặc biệt là sau đặt nội khí quản.
Sau khi ngưng thở máy, chuyển sang điều trị nội trú, các kỹ thuật viên sẽ tiếp tục duy trì và cải thiện hoạt động của phổi, cơ, khả năng nuốt, giao tiếp, tinh thần... Như vậy, bệnh nhân phục hồi sức khỏe sớm, ít di chứng hậu Covid hơn.
Theo bác sĩ Trịnh, bệnh nhân Covid-19 thể nặng cần được chăm sóc phục hồi chức năng về thể chất và nhận thức ngay trong quá trình điều trị để hạn chế các tác động gây hại của virus. Điều này cũng được Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo và các bệnh viện toàn cầu áp dụng.
"Nhiều bệnh nhân sau Covid-19 thường hệ cơ bao gồm nhóm cơ hô hấp sẽ yếu đi, cơ thể suy nhược, thậm chí tàn tật, được điều trị phục hồi chức năng càng sớm thì kết quả hồi phục càng tốt", bác sĩ Trịnh nói.
Bệnh nhân mắc Covid-19 thể nặng cần điều trị chăm sóc phục hồi các chức năng như phổi, nhóm cơ, nuốt, nhận thức, giao tiếp, tâm thần, tâm lý xã hội... Các chức năng này liên quan đến hậu quả của rối loạn thông khí, hỗ trợ thông khí, và bất động kéo dài vì nằm tại giường bệnh, theo bác sĩ Trịnh.
Lê Cầm