Một mình bắt xe khách từ Trực Ninh (Nam Định) lên Hà Nội từ sáng sớm để chuẩn bị ngày 30/6 làm thủ tục dự thi, em Phạm Thị Nhung được các tình nguyện viên tại bến xe Giáp Bát đưa về ký túc xá Đại học Mỏ Địa chất để ổn định chỗ ăn ở. Cô học trò lên Hà Nội với hơn 600.000 đồng, là tiền dành dụm nhiều tháng trời từ tiền công rửa xe máy.
"Em sẽ cố gắng tiêu thật tiết kiệm, số tiền ấy dành cho 6 ngày thi ở Hà Nội là đủ", Nhung nói.
Bố bỏ đi, mẹ bị tâm thần hơn 10 năm không làm được việc, Nhung trở thành trụ cột của 3 chị em. Khi các bạn có thời gian ôn thi, Nhung vẫn miệt mài lau, rửa xe máy từ 7h sáng đến tối. Tiền công mỗi tháng được hơn một triệu đồng dùng để trang trải sinh hoạt cho 3 chị em và để dành một ít để đi thi.
Ngoài rửa xe, Nhung còn chăm gần 2 sào ruộng và trồng thêm giềng, sả, rau thơm ở mảnh vườn nhỏ trước nhà để bán, lấy tiền đóng học và lo cho các em. Thương cháu gái vất vả, ông bà ngoại đưa mẹ em về chăm sóc, thuốc thang hàng ngày để Nhung có thời gian học tập.
Nhung kể rằng, khi học lớp 11, mẹ bị bệnh nặng bỏ nhà đi cả năm trời. Người thân đôn đáo chạy khắp nơi tìm kiếm mà không thấy. Thế rồi mẹ Nhung trở về, người tiều tụy, gầy rộc. Nhìn thấy mẹ như vậy, Nhung chỉ biết khóc.
"Có người khuyên em gia đình khó khăn nên nghỉ học, đi làm kiếm tiền. Nhưng em vẫn muốn một lần được đi thi cho khỏi uổng phí 12 năm học", Nhung tâm sự và cho biết muốn theo học một ngôi trường nào đó liên quan đến ngành y để có thể chăm sóc cho người thân trong gia đình.
Mồ côi bố, gia đình khó khăn nhưng Mai Lan rất lạc quan. Ảnh: H.P. |
Không có người thân đưa đón, Nguyễn Thị Mai Lan (Vụ Bản, Nam Định) đi cùng hai bạn học lên Hà Nội từ hôm 27/6. Bố Lan đã mất, mẹ bận bịu với hơn mẫu ruộng chưa xong vụ cấy nên dự định trước ngày thi chính thức mới lên với em. Dù gia đình thuộc hộ nghèo, nhưng Lan không hề tự ti về hoàn cảnh.
Trước ngày Lan lên Hà Nội, mẹ bán đàn lợn 12 con, được 4 triệu đồng cho con gái làm lộ phí. Anh trai của Lan làm công nhân cũng về thăm, cho em gái một ít tiền và động viên "nhà chỉ có một đứa được thi đại học nên phải cố gắng lên".
Năm nay, em dự thi 4 môn Văn, Toán, Anh, Sinh học và có nguyện vọng vào trường sân khấu điện ảnh bởi từ bé đã thích diễn trò. "Em không hy vọng sẽ đỗ cao trong kỳ thi này, chỉ mong mình có được kết quả xứng đáng với sự cố gắng của mình", Lan tâm sự.
Mặc chiếc áo bạc màu cỏ úa, ông Nguyễn Trọng Khang (67 tuổi), đưa cháu gái Nguyễn Thị Thu từ quê nhà Yên Phong (Bắc Ninh) xuống dự thi ở Đại học Nông nghiệp. Bố Thu đi xa, mẹ vừa làm công nhân, vừa chăm sóc ruộng đồng nên ông Khang lãnh trách nhiệm đưa cháu đi.
Để chuẩn bị cho kỳ thi này, từ nửa năm trước, ông Khang trích hơn 400.000 đồng để dành từ số lương hưu mỗi tháng. Cùng với tiền tăng gia sản xuất, ông có được gần 3 triệu đồng cho hai ông cháu tiêu pha trong mấy ngày ở Hà Nội.
"Vẫn còn các con hỗ trợ nhưng vợ chồng tôi vẫn muốn tự tay lo cho cháu gái", người cựu chiến binh Trường Sơn nói và cho biết thương cháu gái nhất nhà vì hoàn cảnh khó khăn. Ông chỉ hy vọng cháu làm bài hết khả năng của mình.
Nhiều năm liền Thu đều đạt danh hiệu học sinh giỏi nên ông Khang rất tự hào. Lần Thu dự thi đánh giá năng lực vào Đại học Quốc gia Hà Nội, đích thân ông Khang cũng đưa cháu đi. Lần đó, cô học trò giành được 109 điểm nhưng em nguyện vọng vào Đại học Y Hà Nội nên tiếp tục tham dự kỳ thi THPT quốc gia.
Thu kể, 12 năm liền đều sống với ông bà ngoại nên rất gần gũi. Ông ngoại rất thương em, mắt kém rồi mà nhiều lần vẫn giành việc nấu cơm để cháu gái có thời gian học bài. "Trước khi thi, ông động viên nhiều, dặn dò cố gắng nhiều nhưng không cần phải quá áp lực. Em chỉ mong đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi này", Thu chia sẻ.
Mùa thi 2015, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Tỉnh đoàn các địa phương: Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Bắc Ninh tổ chức chương trình "Cùng bạn đi thi", hỗ trợ hơn 300 thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thí sinh người dân tộc thiểu số, con em gia đình chính sách, thí sinh khuyết tật... Tỉnh đoàn bố trí xe đưa đón các thí sinh trên về Hà Nội. Thành đoàn Hà Nội "tiếp sức" các em bằng cách thành lập đội tình nguyện hỗ trợ đưa đón về chỗ trọ miễn phí, tặng các suất cơm tiếp sức mùa thi, đưa đi thi, động viên và trao đổi kinh nghiệm thi cử. |
Hoàng Phương