Theo AFP, ở Nhật Bản đâu cũng thấy các biển quảng cáo chuỗi nhà hàng sushi của Kimura với nụ cười rạng rỡ trên môi.
Tuy nhiên người tự xưng "ông vua cá ngừ" lại không mấy hồ hởi với kế hoạch chuyển chợ cá Tsukiji nổi tiếng, nơi bán ra 1.800 tấn cá và hải sản mỗi ngày ở Tokyo. Văn phòng của Kimura chỉ cách khu vực lịch sử này một dãy phố.
Vào Tết âm lịch năm 2013 ông đã lập kỷ lục thế giới khi chi 1,8 triệu USD trong cuộc bán đấu giá cá ngừ vây xanh. Trong cuộc đấu giá tháng này ông Kimura lại giành thắng lợi với mức chi 117.000 USD cho một con cá ngừ nặng 200 kg. Đây cũng là chiến thắng cuối cùng của ông ở khu chợ nhộn nhịp được dân địa phương và khách du lịch ưa chuộng này.
Hoạt động di dời chợ dự kiến diễn ra tháng 11 tới đây. Phe ủng hộ cho rằng khu liên hợp rộng rãi đã 80 tuổi này quá tồi tàn và xập xệ với hệ thống tủ lạnh cũ nát. Tuy nhiên, cũng như nhiều nhà phê bình khác, ông Kimura - cựu binh quân đội Nhật Bản, người từ bỏ ước mơ trở thành một phi công chiến đấu để kinh doanh cá, cho rằng ý tưởng này chưa thuyết phục.
"Thật đáng buồn khi chợ Tsukiji sắp bị di dời", người đàn ông 63 tuổi này nói. "Khu chợ này đã đồng hành với tôi từ năm khởi nghiệp".
Ông Kimura đã ngừng kế hoạch xây dựng một khu giải trí ở địa điểm mới, nơi sẽ có khu ẩm thực với 1.000 ghế ngồi, khoảng 140 nhà hàng và cửa hàng bán lẻ cùng với suối nước nóng lớn nhất Tokyo.
Nhà kinh doanh cá với thâm niên 4 thập kỷ bỏ ngỏ khả năng xây dựng một trong những nhà hàng Sushizanmai của mình tại khu chợ mới dự kiến xây dựng trên mảnh đất được thu hồi tại vịnh Tokyo.
"Vẫn chưa rõ khu chợ mới xây dựng thế nào", ông nhận xét về địa điểm mới. "Chợ cá là nơi người ta thích đến tụ tập. Nếu không tạo được bầu không khí phấn khích thì sẽ không hút khách".
Giá thành đắt đỏ
Đối với ông Kimura, hiếm có gì thú vị hơn chế biến sushi, đặc biệt là những miếng cá ngừ tím đặt trên nắm cơm. Trong quảng cáo cho chuỗi nhà hàng Sushizanmai, ông luôn khoe nụ cười rạng rỡ cùng cơ thể vạm vỡ, trong trang phục đánh cá và ủng cao su khi bắt được những con cá khổng lồ.
Ông cũng rất sẵn lòng chi trả nhiều hơn mức bình thường để được mua con cá đầu tiên trong năm.
"Chắc tôi sẽ không kiếm được lời từ con cá ngừ đó", ông nhận xét về phiên đấu giá gần đây. "Giá bán tăng cao trong đầu năm mới nhưng sau đó sẽ trở về bình thường".
Cá vây xanh thường là loại cá đắt giá nhất ở chợ Tsukiji và chỉ một miếng mỡ dưới bụng con cá cũng có giá lên tới vài nghìn yên ở các nhà hàng cao cấp của Tokyo.
Ông Kimura cũng bác bỏ ý kiến cho rằng mức giá đáng kinh ngạc ông đưa ra ở các phiên đấu giá, bao gồm cả con số kỷ lục năm 2013 xuất phát từ cuộc cạnh tranh khốc liệt với chuỗi nhà hàng Hong Kong, chỉ là một chiêu quảng cáo thương hiệu.
"Phương châm kinh doanh của tôi là phục vụ khách hàng những món ăn ngon, chất lượng cao", ông nói. "Làm cho khách hàng thỏa mãn là điều tuyệt vời nhất. Nếu chỉ coi trọng khâu marketing thì có lẽ không thể khiến khách hài lòng".
Trên thực tế, ông cho rằng dốc hầu bao để mua cá ngừ sẽ giúp bình ổn giá và bảo vệ loài này.
Những nhà môi trường học cảnh báo cá ngừ vây xanh có nguy cơ bị tuyệt chủng. Nhật Bản là nhà tiêu thụ cá ngừ lớn nhất thế giới nhưng phải đối mặt với yêu cầu hạn chế đánh bắt cá.
Năm 2014, bậc thầy về sushi, ông Jiro Ono cho rằng việc đánh bắt bừa bãi là hồi chuông báo động với ngành công nghiệp này. Ông là người có những món ăn được Tổng thống Mỹ Obama khen ngợi và được xem là tuyệt tác ẩm thực thế giới.
Dù vậy, ông Kimura tin tưởng cá ngừ vẫn là loài cá độc nhất vô nhị trong thế giới sushi.
"Trữ lượng cá thu và cá sòng đôi khi cũng bị cạn kiệt nhưng luôn dồi dào trở lại", ông tự tin khẳng định.
Ngọc Huyền