Sáng 24/1, một ngày trước Tết ông Công ông Táo (23/12 âm lịch), các hộ nuôi cá ở làng Tân Cổ, thị trấn Tân Phong, huy động nhân lực thu hoạch cá chép đỏ. Những chiếc máy hút nước hoạt động liên tục suốt vài ngày trước cho đến khi ao cá cạn hẳn. Nhiều tốp đàn ông cầm sẵn tấm lưới, lội xuống lớp bùn sâu ngang bắp đùi vây bắt cá.
Cá chép đỏ bắt đầu được thả giống từ tháng 8, thu hoạch vào tháng chạp. Nuôi ba ao cá rộng 1.500 m2, hôm nay gia đình ông Nguyễn Thanh Sử bán hơn một tạ cá chép đỏ cho thương lái ngay tại bờ. Năm nào lái buôn cũng tìm đến đặt hàng trước cả tháng nên gia đình ông ít khi tồn cá.
Ông Sử đánh giá loài này ít phải chăm sóc, không nhiều rủi ro như nuôi cá thịt. Cá chép Tân Cổ được ưa chuộng bởi hình dáng đẹp, đỏ đều, khỏe mạnh, được vận chuyển đi bán khắp các tỉnh thành từ Thanh Hóa đến Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế...
Hộ ông Nguyễn Trọng Chiến là một trong số ít hộ vừa nuôi cá vừa thu mua nhiều nhất thôn Bái Trúc, thị trấn Tân Phong. Vụ Tết năm nay ông đã gom được khoảng 2,5 tấn hàng xuất đi các nơi. Với giá bán 130.000-150.000 đồng/kg, gia đình ông dự kiến thu về hơn 200 triệu đồng.
Theo ông Chiến, giá cá năm nay cao hơn các năm trước 40.000-60.000 đồng một kg nên nhiều nông dân ở Tân Cổ có thu nhập khá. Trung bình mỗi hộ kiếm được 80-100 triệu đồng, hộ nhiều có thể thu vài trăm triệu từ nghề nuôi cá chép đỏ. Tuy chỉ nuôi thời vụ, cá chép ông Công ông Táo đã trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân ở đây dịp Tết.
Lãnh đạo thị trấn Tân Phong cho hay, nghề nuôi cá giống ở Tân Phong có từ hàng chục năm nay. Hiện có khoảng 300 hộ nuôi cá quanh năm, chủ yếu là cá giống các loại. Gần cuối năm, dân làng tập trung nuôi cá ông Công ông Táo. Những năm gần đây, chính quyền đã hỗ trợ quỹ đất để nông dân mở rộng diện tích nuôi cá, ngoài ra còn mở thêm các lớp hỗ trợ khoa học kỹ thuật để bà con có thêm kinh nghiệm, tăng năng suất...