Theo nội dung thông báo số 234, ngày 8/12, vụ việc xảy ra tại Công ty Xăng dầu hàng không là rất nghiêm trọng, nhiều cá nhân phạm tội tham nhũng, buôn lậu và cố ý làm trái các quy định của pháp luật, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước.
"Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân, làm rõ vì sao để vụ việc xảy ra thời gian dài và nghiêm trọng mà không phát hiện, ngăn chặn được", văn bản nêu rõ.
Về tình trạng hoạt động thua lỗ kéo dài của Pacific Airlines, Phó thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo Tổng công ty Hàng không phải kiểm điểm về việc bố trí cán bộ điều hành và chậm chấn chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị này. Trong tháng 12, phải báo cáo Bộ trưởng Giao thông Vận tải và và trình Thủ tướng phương án sắp xếp lại hoạt động của Pacific Airlines, kể cả phương án bán thêm cổ phần.
Trong 5 năm (1997-2003), Vinapco ký nhiều hợp đồng tái xuất với số lượng gần 65 triệu lít nhiên liệu các loại, trị giá hơn 11 triệu USD. Theo cơ quan điều tra, một phần số xăng dầu này đã được để lại tiêu thụ trong nước, thu lợi bất chính. Từ ngày 3/3/1999 đến 11/4/1999, Vinapco liên tiếp xuất 11 hóa đơn, tổng trị giá khoảng 700.000 USD với hai loại mặt hàng xăng A83 và dầu DO. Đây là số xăng dầu về thủ tục, hồ sơ là được tái xuất sang Campuchia, nhưng thực tế đã để lại tiêu thụ tại Việt Nam.
Liên quan đến tiêu cực tại Vinapco, Cơ quan an ninh đã bắt hàng loạt đối tượng. Chiều 15/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Bộ Công an, đã bắt tạm giam Giám đốc Công ty xăng dầu hàng không Trần Minh tại nhà riêng ở phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội), và ông Đỗ Đình Tư, Trưởng ban tài chính công ty tại phố Trần Quốc Toản (Hà Nội) với tội danh tham ô.
Việt Anh