Vụ trưởng Vụ Tiểu học Nguyễn Kế Hào. |
Sự kiện trên gây xôn xao ngành giáo dục, bởi Bộ GD&ĐT đang trưng cầu ý dân về chương trình giáo dục mới. Báo Tuổi Trẻ đã có cuộc phỏng vấn Vụ trưởng Nguyễn Kế Hào về vấn đề này.
- Phải chăng theo ông, năm học 2002-2003 chưa phải là thời điểm thích hợp để triển khai (CTTH) mới?
- Việc cải cách của CTTH mới đã tiến hành theo một chu trình ngược. Chương trình và SGK được biên soạn khi chưa có một thiết kế tổng thể, một quan điểm lý luận rõ ràng mang tính chiến lược. Thể hiện rõ nhất ở việc: Đầu năm 2000, ban chỉ đạo dự án vẫn thông báo CTTH mới chỉ nhằm xây dựng mới chương trình và SGK hiện hành do đều mới được cập nhật, hoàn chỉnh trong những năm gần đây. Thế nhưng đến cuối năm 2000, dự án lại tuyên bố từ lớp 1đến lớp 3 tích hợp lại từ 9 môn còn 6 môn, các lớp 4-5 vẫn còn 9 môn, nhưng nội dung đều được xem xét, điều chỉnh lại. Vấn đề cấp thiết nhất của đổi mới chương trình nói chung cũng như bậc tiểu học nói riêng là bồi dưỡng giáo viên trước rồi mới triển khai, nhưng đây thì ngược lại: giáo viên chạy đuổi theo chương trình với 1-2 buổi tập huấn trước mỗi năm học.
Chưa có gì chứng tỏ đây là một chương trình đáp ứng được các yêu cầu đổi mới đã được đề ra cho nó, có ưu điểm hơn chương trình hiện hành. Đó chỉ là sản phẩm đơn phương của ngành giáo dục, chưa tính đến những yếu tố đồng bộ để triển khai. Từ chương trình đến SGK còn là một khoảng cách lớn mà tốt, xấu còn phụ thuộc nhiều vào trình độ, tâm huyết của người viết sách.
Về những điều kiện cần thiết để thực hiện càng không thể khả thi. CTTH mới yêu cầu học sinh phải học hai buổi/ngày. Tương ứng với việc triển khai đại trà mỗi năm một khối lớp cần bổ sung thêm khoảng 40.000 giáo viên cùng gần 30.000 phòng học. Trong khi hiện nay, chúng ta thiếu gần 30.000 giáo viên tiểu học, còn nhiều phòng học ca ba, phòng học tạm...., những vấn đề mà trong năm học tới chúng ta không thể giải quyết nổi.
- Nhưng thưa ông CTTH mới đã có một quá trình thử nghiệm trên phạm vi 12 quận huyện thuộc 12 tỉnh thành đại diện cho các vùng miền trong cả nước...?
- Ngay ở điểm này tôi cũng thấy bất bình. Gọi là thí điểm tại các vùng miền, nhưng thật ra những trường chọn ra thí điểm đều là những trường khá trở lên (giáo viên đủ và đạt chuẩn, cơ sở vật chất đủ học hai buổi/ngày, mặt bằng chất lượng học sinh khá...) ở những vùng thuận lợi thuộc mỗi tỉnh thành. Trên mặt bằng đó mà nói rằng chương trình phù hợp để triển khai cho mọi miền vùng, kể cả những vùng khó khăn, miền núi vùng sâu thì không có gì bảo đảm tính khoa học. Đó là chưa kể ngay ở những địa phương thí điểm, nhiều ý kiến giáo viên cũng khẳng định CTTH mới còn nặng hơn chương trình tiểu học hiện hành sau khi đã giảm tải.
- Thưa ông, với cương vị là vụ trưởng trực tiếp quản lý bậc học mà đến bây giờ ông mới chính thức lên tiếng phản đối liệu có quá muộn, vì Quốc hội đã thông qua việc đổi mới chương trình, hàng triệu USD tiền vay đã đổ vào việc xây dựng và triển khai CTTH mới...?
- Trong những năm qua, tôi đã nhiều lần lên tiếng. Ngay từ khi CTTH mới bắt đầu triển khai thử nghiệm tôi đã nhận thấy mọi việc không được làm đúng quy trình với những bước đi cần thiết nhưng tiếng nói của tôi và một số người khác đã bị bỏ qua một bên, bị vô hiệu hoá. Đến lúc này, tôi tự thấy mình phải có một thái độ thật rõ ràng, thật cương quyết vì tôi đã thấy sản phẩm sắp mang vào triển khai ngay năm học 2002 tới. Nếu thấy không đúng thì phải làm lại, sẽ thiệt hại tiền của Nhà nước, ảnh hưởng quyền lợi của một cá nhân nào đó, nhưng không thể vì một số ít không dám chịu trách nhiệm mà để thiệt hại cho nhân dân và ảnh hưởng đến bao nhiêu thế hệ. Chúng ta không thể lặp lại sai lầm của cải cách giáo dục năm 1981.
- Thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng vì ông là một trong những tác giả của chương trình công nghệ giáo dục nên không muốn ủng hộ CTTH mới?
- Tôi có thể tự tin khẳng định rằng những gì mình làm đều không vì một động cơ nào hết. Nếu nghĩ đến bản thân tôi đã không từ chức. Vì không thể nhắm mắt bỏ qua, chấp nhận được những sai sót của CTTH mới, tôi phải lên tiếng. Tôi cũng muốn kiến nghị như một người làm quản lý, một nhà khoa học, nhưng ý kiến không được để ý nên phải lựa chọn cách này, để mình được đứng về phía quyền lợi của hàng triệu học sinh, của phụ huynh mà phát biểu. Tôi cũng tin rằng khi đã nói để dân biết thì có thể thay đổi được vì dân trí bây giờ đã khác, cao hơn, xã hội dân chủ hơn, không dễ gì buộc người dân phải chấp nhận một sản phẩm chưa đạt. Không thể chỉ dùng những quyết định để biến mọi thứ thành chuyện đã rồi.
- Nếu tất cả vẫn được thực hiện theo đúng tiến độ đã định thì theo ông điều gì sẽ xảy ra?
- Phải mất gần 20 năm, tới năm 1998 chúng ta mới có một bộ SGK đầy đủ các môn cho cả 5 khối lớp. Nhưng ngay sau đó, chúng ta nhận ra có nhiều phần quá tải mà nguyên nhân là do thiếu một tổng chỉ huy, thiếu một kế hoạch thiết kế chương trình ngay từ đầu nên nhiều cuốn SGK được viết theo ý tác giả nhiều hơn theo chủ trương chung. Quá tải thì đã được giảm tải cho phù hợp hơn, giáo viên nhiều năm tập huấn, bồi dưỡng bắt đầu phát huy giảng dạy có chất lượng hơn. Vậy tại sao không tiếp tục sử dụng những gì đã được hoàn chỉnh, củng cố những thành tựu đã đạt được mà phải nóng vội đưa một cái mới chưa hoàn thiện vào để tiếp tục tạo ra sự mất ổn định? Tôi hình dung một cuộc cải cách chương trình và SGK trong những điều kiện chưa chín muồi sẽ như một cơn bão lũ quét sạch những thành tựu đã có để một lần nữa chúng ta lại đi vào vết xe đổ “1981”.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo Tuổi Trẻ, 3/4)