- Bộ Giáo dục công bố dự thảo điều lệ trường tiểu học sửa đổi trong đó có việc cho phép các lớp thành lập hội đồng tự quản, bầu chủ tịch hội đồng thay cho chức lớp trưởng. Nhiều người cho rằng thay đổi này là không cần thiết vì nhiệm vụ vẫn như nhau trong khi tên gọi nhem nhóm cho trẻ thói háo danh, ông nói gì về điều này?
- Trong dự thảo điều lệ trường tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định cứng bỏ chức lớp trưởng, lớp phó thay bằng chức chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản mà chỉ cho các trường có thêm một lựa chọn. Hội đồng tự quản được thành lập trong mô hình trường học mới và việc thực hiện mô hình này trên tinh thần tự nguyện. Trường nào tự tin thì thực hiện, chưa tự tin thì có thể áp dụng từng phần.
Trong hội đồng tự quản, chủ tịch, phó chủ tịch không chỉ tuân thủ các yêu cầu của giáo viên chủ nhiệm một cách cứng nhắc như vai trò của lớp trưởng, lớp phó ở các lớp học truyền thống mà các em có thể đề đạt lên giáo viên ý kiến thu thập từ các bạn hoặc ý kiến cá nhân về những hoạt động của trường, của lớp, về cách thức tự quản, điều hành lớp. Giáo viên và phụ huynh trong những lớp học này đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ.
Phụ huynh nào có con từng được học mô hình trường học mới VNEN đều thấy rằng không hề có chuyện nhen nhóm lòng háo danh như một số người lo ngại. "Háo danh" là suy nghĩ của người lớn, còn con trẻ không nghĩ như vậy. Các chức danh của hội đồng tự quản lớp học không phải chạy đua như người lớn, các con cũng không có bất cứ một quyền lợi gì mà chỉ đơn giản là vị trí mà học sinh tự bầu lên để cùng nhau quản lý lớp học, cùng học tập, hoạt động trong bầu không khí dân chủ.
- Vậy tổ chức Hội đồng tự quản có ưu thế gì so với tổ chức lớp học bình thường?
- Hội đồng tự quản ở mô hình trường học mới nuôi dưỡng sự hồn nhiên trong sáng của học sinh bởi các em sẽ không bị áp đặt cứng nhắc, không lo phải giấu diếm suy nghĩ cá nhân mà thoải mái nói lên suy nghĩ của mình, thảo luận với các bạn để xây dựng hoạt động của lớp. Có chỗ nào sau khi trao đổi với các bạn trong nhóm vẫn chưa hiểu, học sinh sẽ được giáo viên hỗ trợ.
Nếu như ở mô hình trường học cũ, học sinh thụ động, né tránh, không có chính kiến, không dám phản biện, cô nói gì nghe nấy, không có tinh thần tập thể, bàng quan với mọi vấn đề của bạn bè và cuộc sống xung quanh… thì mô hình Hội đồng tự quản giúp học sinh biết sống tự tin, thẳng thắn và chủ động hơn trong cuộc sống.
- Trong mô hình trường học mới, giáo viên sẽ đánh giá học sinh như thế nào?
![]() |
Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Phạm Ngọc Định. |
- Theo mô hình trường học mới, cách đánh giá học sinh tương tự như Thông tư 30, nghĩa là không chấm điểm thường xuyên mà thay vào đó là nhận xét, đánh giá, góp ý cho từng em trong suốt quá trình học tập.
Giáo viên qua quan sát sẽ phát hiện và hướng dẫn học sinh từng bước vượt qua khó khăn, cũng như khích lệ sự tiến bộ của các em. Khi không phải nặng nề về điểm số, học sinh sẽ học tập vì ham thích chứ không phải bắt buộc để được điểm cao. Việc phê phán học sinh trước cả lớp bị nghiêm cấm trong mô hình trường học mới, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý các em.
Khi Bộ ban hành thông tư 30, nhiều trường tiểu học và giáo viên lo lắng, kêu ca là khó thực hiện và việc không chấm điểm thường xuyên sẽ làm mất động lực học tập của học sinh... Nhưng thực tế tại các trường đi theo mô hình trường học mới, đa số ở vùng nông thôn, khó khăn thì lại thực hiện rất tốt.
- Nhiều người băn khoăn tại sao Việt Nam không học tập mô hình trường học của các nước tiên tiến mà lại áp dụng mô hình thành công ở Colombia - một nước không có tên trên bản đồ các nước có nền giáo dục phát triển?
- Mô hình trường học mới tại Việt Nam được Tổ chức Quỹ Hỗ trợ giáo dục toàn cầu tài trợ không hoàn lại, ủy thác qua Ngân hàng thế giới. Lúc đầu, Mô hình trường học mới được Ngân hàng thế giới và UNESCO hỗ trợ để các chuyên gia giáo dục hàng đầu thế giới thiết kế cho các nước đang phát triển và được triển khai thành công đầu tiên ở Colombia, hiện nay đã được nhiều nước đang phát triển áp dụng. Mô hình này đã giành được một số giải thưởng quốc tế và được Ngân hàng thế giới cũng như UNESCO đánh giá là một trong ít mô hình phù hợp nhất với điều kiện giáo dục của các nước đang phát triển. Chính vì vậy Ngân hàng thế giới đã giới thiệu và hỗ trợ Việt Nam tham quan mô hình tại Colombia và đề xuất Tổ chức Quỹ Hỗ trợ giáo dục toàn cầu (quỹ huy động từ nhiều nước phát triển khác nhau) tài trợ cho Việt Nam nghiên cứu, vận dụng.
Khi nghiên cứu chúng tôi thấy điều kiện làm giáo dục của Colombia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, nhất là những khó khăn về chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất nhà trường. Colombia đã khắc phục những khó khăn đó thành công thông qua mô hình trường học mới. Chúng tôi thấy họ có nhiều cách làm hay, có những điều Việt Nam đã làm, có những điều Việt Nam nói đến nhiều mà chưa làm được, chẳng hạn khi họ triển khai Mô hình bắt đầu từ những vùng khó khăn, miền núi thành công rồi mới mở rộng ra vùng thuận lợi trên tinh thần tự nguyện với những gì tận mắt tai nghe. Mô hình giáo dục này gắn liền với đời sống, làm cho học sinh hiểu biết và yêu mến, muốn đóng góp xây dựng quê hương của chính các em. Họ vui mừng báo cáo đã chặn được làn sóng cách đây hàng chục năm ai cũng muốn về thành phố rồi không có việc làm. Đặc biệt mô hình của họ luôn hướng vào hình thành các năng lực và phẩm chất của người công dân đất nước họ và năng lực công dân toàn cầu.
Theo Thuyết kiến tạo, mỗi cá nhân học sinh phải tự hoạt động làm ra sản phẩm học tập cho chính mình bằng cách vận dụng kiến thức đã có để giải quyết tình huống mới nảy sinh và sắp xếp kiến thức mới nhận được vào cấu trúc các kiến thức hiện có của mình, lúc đó kiến thức mới của học sinh được gia tăng, đồng thời có giá trị ứng dụng thực tiễn.
- Các đơn vị tài trợ đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện VNEN ở Việt Nam thưa ông?
- Theo báo cáo của các Sở và qua kiểm tra thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng thế giới và UNESCO đã có đánh giá bước đầu như sau: Giáo viên đã giảm hẳn việc giảng giải, thuyết trình, tập trung vào việc quan sát, hướng dẫn, tổ chức học tập, hỗ trợ học sinh, thúc đẩy quá trình học tập của các em. Học sinh tự tin, chủ động, giao tiếp tích cực, hào hứng học tập và sinh hoạt tập thể; bước đầu hình thành thói quen làm việc trong môi trường tương tác, phát triển được năng lực tự quản, tự học, tự đánh giá.
Họ cũng nhận thấy cha mẹ học sinh và cộng đồng đồng thuận, ủng hộ và tích cực tham gia hỗ trợ cho nhà trường, giáo viên và học sinh triển khai VNEN thông qua các hoạt động cụ thể. Mô hình VNEN đã thay đổi nhận thức, thuyết phục cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh, tác động mạnh đến giáo dục tiểu học và giáo dục phổ thông trên phạm vi cả nước.
Từ việc thực hiện có hiệu quả và nhận thấy tính ưu việt của mô hình, đến năm học 2014-2015, đã có 1.039 trường trên cả nước không phải là đối tượng được thụ hưởng Dự án nhưng đã tự nguyện áp dụng mô hình VNEN, nâng tổng số trường tham gia VNEN là 2.508. Trong những năm tới sẽ tiếp tục nhân rộng Mô hình VNEN ở tiểu học và THCS.
Giải thích nguyên nhân không thay đổi quy định khó thực hiện là "Các trường đảm bảo 35 học sinh trên một lớp", ông Phạm Ngọc Định cho biết quy định này đã được thể hiện trong điều lệ trường tiểu học hiện hành, dự thảo chỉ nhắc lại. Thừa nhận thực trạng ở các thành phố lớn, sĩ số học sinh trên mỗi lớp của một số trường tiểu học ở mức cao, nhiều nơi trên 50 học sinh mỗi lớp, nhưng ông Định giải thích, điều lệ trường tiểu học được áp dụng trên toàn quốc, căn cứ vào mục đích, chương trình giáo dục và đối tượng học sinh chứ không thể căn cứ vào tình trạng ở một số địa phương, nhà trường để sửa đổi. "Với chương trình giáo dục tiểu học hiện hành, việc quy định sĩ số không quá 35 học sinh mỗi lớp là phù hợp với khả năng đầu tư, yêu cầu dạy học, tâm sinh lý học sinh và khả năng bao quát, thực hiện nhiệm vụ dạy học của giáo viên. Vì vậy, quy định của Bộ nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục tối thiểu", Vụ trưởng Giáo dục tiểu học nói. Ông Định cho biết, đối với những trường có sĩ số vượt quá quy định thì lãnh đạo ngành giáo dục địa phương đó phải có giải pháp hoặc đề xuất giải pháp để tăng cường cơ sở vật chất, giáo viên... nhằm đảm bảo yêu cầu dạy học. |
Hoàng Thuỳ thực hiện