Triển lãm Thiên khải (Genesis) khai mạc tối 27/5, trưng bày gần 40 bức tranh về thưở hồng hoang, được lấy ý tưởng đặt tên sự kiện từ chương sách đầu tiên trong Thánh Kinh Cựu Ước. Khác các bộ sưu tập trước đó - chủ yếu khắc họa hình tượng phái đẹp, lần này họa sĩ gạo cội thể hiện ý niệm về vũ trụ và nhân sinh, với hai yếu tố căn bản là ánh sáng và bóng tối.
Ở vị trí đầu tiên trong gian phòng trưng bày, họa sĩ giới thiệu hai bức tranh tứ bình khổ lớn - Thiên khải và Thiên không. Người xem được dẫn dắt vào không gian triển lãm với các tác phẩm về sự huyền bí của vũ trụ. Nguyệt thực và Tinh cầu mô tả các quả cầu đen đang dao động trong không gian. Chân dung quá khứ, Chân dung vô cực là các hình khối thuôn dài được gợi cảm hứng từ "quả trứng vũ trụ" (cosmic egg). Với bức Dấu tích quá khứ, tác giả tạo hình bằng những đường thẳng đứng, hình bầu dục cùng những nét cong, tia sáng vụt ngang bất chợt.
Bộ ngũ bình trường họa Thiên lý - sáng tác năm 2022 - là bức sơn mài lớn nhất của Đinh Quân đến nay (kích thước 2x6 m). Tác phẩm vẽ một dải sáng xuyên suốt, xẻ đôi bức tranh, bao quanh bởi một vầng hào quang. Họa sĩ lấy ý tưởng sáng tác từ bài Khải hoàn ca do Friedrich Schiller - nhà thơ, nhà triết học người Đức -viết năm 1785. Bài thơ là lời ca ngợi vẻ đẹp của tình người, với câu nổi tiếng: "Những kẻ ăn mày trở thành anh em với những ông hoàng" (Beggars become princes' brothers).
Đinh Quân cho biết những năm gần đây, ông suy nghĩ nhiều về thân phận đời người. Với họa sĩ, vẽ tranh cũng như viết nhật ký, xoay quanh đến vấn đề ông quan tâm như nhân sinh, tình yêu lứa đôi, hạnh phúc gia đình, khát vọng đời người. "Từ năm 2017 đến nay, các sáng tác của tôi tiêu dao hơn trong những miền vô định, chắt lọc tinh giản, các đường nét trở nên bình lặng, mờ nhạt", họa sĩ nói.
Dự triển lãm, ông Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội mỹ thuật Việt Nam - đánh giá bộ sưu tập là bước ngoặt lớn trong phong cách sáng tác của Đinh Quân, khi họa sĩ bỏ lại đề tài về phái nữ với bút pháp biểu hiện để đến với bút pháp trừu tượng. Ông nhận xét các tác phẩm lần này của Đinh Quân cho thấy sơn ta tự nhiên và sơn Nhật công nghệ được họa sĩ sử dụng hài hòa. "Là bạn vẽ lâu năm của Đinh Quân, tôi cũng không thể bắt kịp ngôn ngữ thị giác trên những tác phẩm của triển lãm lần này", ông Lương Xuân Đoàn nói.
Nhà sưu tầm tranh Lý Đợi nhận xét: "Với tôi, triển lãm Thiên Khải là loạt tranh kỳ công của Đinh Quân, không chỉ về mặt tư tưởng, mà còn về vật liệu, bút pháp, nơi kết hợp giữa sơn ta và sơn mài Nhật Bản, giữa kỹ thuật truyền thống và sự phá cách, đổi mới".
Họa sĩ Đinh Quân sinh tại Hải Phòng năm 1964, theo học nghệ thuật tranh sơn mài và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1990. Hơn 30 năm theo nghề, ông tổ chức triển lãm quốc tế ở 15 quốc gia trên thế giới, như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Singapore, Mỹ. Một thời gian dài, chủ đề chính trong tranh Đinh Quân là hình tượng phái nữ.
Ông có nhiều tác phẩm xuất hiện trong các bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Singapore, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia Malaysia. Ông là một trong 20 họa sĩ Việt Nam có mặt trong triển lãm Tranh sơn mài Việt Nam: một thời kỳ mới tại Trung tâm triển lãm Oakland (California, Mỹ) năm 2000.
Mai Nhật