Trong nhiều thế kỷ, các hiện vật văn hóa và nghệ thuật đã bị đánh cắp vì sự giàu có mà chúng có thể mang lại khi bán ở chợ đen hoặc vì niềm vui thầm kín khi sở hữu bức tranh của danh họa.
Kẻ trộm đôi khi đánh cắp tác phẩm nghệ thuật sau đó liên hệ với chủ sở hữu hoặc bảo tàng nơi nó được trưng bày để đòi tiền chuộc. Một số tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp được sử dụng làm tài sản thế chấp trong nhiều đường dây tội phạm.
Nhưng những tên trộm đánh cắp ba bức tranh tổng trị giá tới 5 triệu USD, từ Bảo tàng Nghệ thuật Whitworth ở Manchester vào tháng 4/2003 lại có động cơ rất khác.
Phòng trưng bày được thành lập năm 1889 bởi hai doanh nhân kiêm nhà từ thiện nổi tiếng nước Anh. Từ năm 1958, phòng trưng bày trở thành một phần của Đại học Manchester, là nơi trưng bày hơn 60.000 hiện vật lịch sử và nghệ thuật, tiêu biểu là tác phẩm của các danh họa Van Gogh, Picasso và Gauguin.
9h sáng thứ hai, 28/4/2003, các nhân viên Phòng trưng bày nghệ thuật Whitworth khi đi làm bỗng hốt hoảng thấy ba khoảng trống nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật trị giá 4 triệu bảng Anh (khoảng 5 triệu USD). Ba kiệt tác đã bị lấy đi gồm: Pháo đài Paris với những ngôi nhà, tác phẩm màu nước đầu tiên trong sự nghiệp danh họa Van Gogh; Bần hàn của Picasso và Phong cảnh Tahiti của Gauguin.
Nhưng chỉ vài giờ sau, chúng được tìm thấy trong một nhà vệ sinh cũ ở phía bên kia Công viên Whitworth, cách đó chỉ 200 m.
Đó là nhà vệ sinh công cộng đã đóng cửa, xây bằng gạch đỏ, bị phun đầy graffiti, bên cạnh một trong những tuyến xe buýt đông đúc nhất ở châu Âu. Các bức tranh được cuộn lại gọn gàng và đặt cẩn thận trong một ống bìa cứng, ướt sũng vì cơn mưa sáng sớm.
Nghiệp vụ cảnh sát không góp công gì trong vụ phá án thần tốc này. Bởi ngay sáng đó, họ đã nhận được một cuộc gọi ẩn danh từ một giọng nữ, thông báo chính xác nơi giấu tang vật.
Nhưng điều khiến cảnh sát và dư luận quan tâm nhiều hơn là thông điệp viết nguệch ngoạc bằng bút dạ đen, trên tờ giấy dùng để cuộn quanh các bức tranh: "Chúng tôi không có ý định đánh cắp những bức tranh này. Mà chỉ để nêu bật tình hình an ninh tồi tệ (của phòng trưng bày)".
Cảnh sát không ấn tượng lắm với mục đích này. Chánh thanh tra thám tử Peter Roberts cho biết: "Lời nhắn viết tay cố hàm ý vụ trộm nhằm mục đích cao cả. Nhưng thực chất nó rất ngớ ngẩn. Hắn sẽ bị truy tố về hành vi trộm cắp". Nhưng đạo chích chưa bao giờ bị truy tố, vì cảnh sát chưa bao giờ biết được đó là ai.
Dù khá "muối mặt" nhưng cảnh sát cũng phải thừa nhận, phòng trưng bày nghệ thuật Whitworth là nơi hoàn hảo cho vụ cướp vào tối thứ 7, 26/4. Trời tối, hẻo lánh và địa điểm này hoàn toàn nằm ngoài đường chính nên khả năng tên trộm bị ai đó phát hiện có hành động đáng ngờ là rất hạn chế.
Ban quản lý trung tâm, trái lại, rất hài lòng với lực lượng an ninh đã thiết lập để bảo vệ những kho báu vô giá bên trong. Bên ngoài, tòa nhà được giám sát từ hệ thống camera, hệ thống báo động và tuần tra lưu động thường xuyên, tất cả đều được các chuyên gia tại Cảnh sát Manchester kiểm tra thường xuyên hai lần mỗi năm.
Tuy nhiên, các cửa sau của tòa nhà khá "tệ hại". Chỉ có một tấm che bằng thép để ngăn chặn những tên trộm tiềm ẩn và một cánh cửa đã nhanh chóng bị tên trộm, hoặc có thể là băng trộm, phá ra để đột nhập.
Khi vào bên trong, đạo chích đi lại tự do trong khu trưng bày đó mà không có nhân viên bảo vệ hay camera quan sát nào để ý.
Theo cảnh sát, những chiến lợi phẩm mang đi đều là khao khát của những nhà sưu tập hàng đầu thế giới, và đều dễ bán. Tranh đã bị lấy cả khung, nhưng các khung tranh cũng chưa được tìm thấy. Đạo chích được xác định rút lui đúng theo lối hắn vào, mất hút trong màn đêm và sương dày đặc của Công viên Whitworth.
Điều may mắn là các bức tranh chỉ bị hư hại nhẹ do mưa và độ ẩm, đều có thể phục hồi được. Bị bỏ dưới mưa là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với những tác phẩm này, vì giấy đều đã cũ và đều giòn, dễ hỏng.
Trong thời gian phục chế, ba khoảng tường không bị bỏ trống, mà được thay bằng ba bức tranh. Dù vậy, vụ trộm bi hài cũng đã khiến khu trưng bày nổi tiếng hơn rất nhiều.
Sau gần nửa năm phục chế, ba "nhân vật chính" của phòng tranh trở về nhà cũ, được làm lễ tiếp đón long trọng, trong ánh mắt hiếu kỳ và ngưỡng mộ của đông đảo công chúng. Sau vụ trộm, nhiều người nói, cảm thấy bức tranh "có vẻ là đẹp hơn".
Trong nhiều năm, cảnh sát vẫn miệt mài với quyết tâm tóm gáy đạo chích, bắt đầu với cuộc điện thoại của người phụ nữ chỉ cho họ vị trí các bức tranh được cắt giấu. Nhà chức trách không loại trừ thủ phạm chính là nhân viên của phòng tranh. Song tất cả chỉ là phỏng đoán và suốt 20 năm qua danh tính tên trộm luôn là bí ẩn.
Hải Thư (Theo Manchester Finest, Guardian)