Năm Đồng Trị thứ ba (tức năm 1864), quân đội nhà Thanh dập tắt cuộc khởi nghĩa nông dân Thái Bình Thiên Quốc do Hồng Tú Toàn lãnh đạo. Hai ngọc tỷ và một kim ấn của Hồng Tú Toàn được coi là chiến lợi phẩm quan trọng nộp lên triều đình, cất giữ tại Quân cơ xứ.
Quân cơ xứ là cơ quan nắm quyền lực cao nhất về chính trị và quân sự, do vua Ung Chính lập ra và chỉ có ở thời nhà Thanh. Quân cơ xứ gồm hai dãy nhà ở phía bắc và nam Long Tông Môn trong Tử Cấm Thành, được coi là cấm địa, người bình thường tuyệt đối không được vào.
Tại nơi tưởng như bảo mật rất tốt này, kim ấn của Hồng Tú Toàn "không cánh mà bay", chỉ sau hơn một năm.
Việc mất trộm ở Quân cơ xứ không phải chuyện nhỏ, có tính chất tương đương với việc có người cầm dao lượn lờ trước cửa phòng ngủ của Thái hậu. Hơn nữa, kim ấn của Thái Bình Thiên Quốc còn mang ý nghĩa chính trị. Vì vậy, Từ Hy Thái hậu rất tức giận khi biết tin, lệnh cho Cung Thân vương Dịch Hân lập tức điều tra.
Hoàng cung được canh phòng nghiêm ngặt, người ngoài không được phép vào, thế nên việc điều tra bắt đầu từ chính những người trong cung.
Dịch Hân, quan đại thần của Quân cơ xứ, nhận định kẻ trộm rất có thể quen thuộc địa hình. Người ngoài sẽ không biết kim ấn được cất ở đâu nên thủ phạm có thể nằm trong chính nội bộ Quân cơ xứ.
Dịch Hân lệnh cho Nội vụ phủ, cơ quan chuyên xử lý các sự vụ trong cung, tra xét nghiêm ngặt cả trong lẫn ngoài, nhưng không tìm ra kẻ khả nghi hay tang vật. Những người thường liên hệ với Quân cơ xứ cũng bị bắt về tra khảo nhưng không ai chịu nhận tội, cũng không cung cấp được manh mối nào.
Vụ án bế tắc, Dịch Hân lại lệnh cho Nội vụ phủ phái người ra khỏi cung thăm dò tin tức, bí mật điều tra khắp thành Bắc Kinh.
Hơn bốn tháng sau khi phát hiện vụ trộm, đội điều tra nghe tin Tiền trang Hằng Hòa nhận được hai thỏi vàng cách đây vài ngày. Đây vốn không phải chuyện lạ thường nhưng vào thời điểm nhạy cảm này lại thu hút sự chú ý.
Khi kiểm tra, họ phát hiện mỗi thỏi vàng nặng tới 11 lượng, là hàng mới đúc, có đánh số "cửu" và "thập" bên trên. Dựa trên quy định của ngành, họ suy đoán có ít nhất 10 thỏi vàng được đúc cùng một lô, tức là hơn 110 lượng vàng, gần bằng trọng lượng kim ấn của Hồng Tú Toàn.
Từ chữ "Vạn Thịnh" trên thỏi vàng, đội điều tra tìm ra tiệm vàng Vạn Thịnh, bắt toàn bộ nhân viên ở đây về tra khảo. Chủ tiệm khai cách đây vài tháng, có người mang đến một kim ấn, nấu chảy và đúc thành 10 thỏi vàng, mỗi thỏi nặng khoảng 11 lượng, hai trong số đó xuất hiện ở Tiền trang Hằng Hòa.
Kẻ mang kim ấn tới là Tát Long A, giữ chức Hình bộ Lang trung và nắm quyền cao trong Quân cơ xứ. Tát Long A xuất thân trong gia đình quý tộc người Mãn, là con trai của Mục Chương A - đại thần dưới triều vua Đạo Quang.
Dịch Hân đích thân tra hỏi Tát Long A, đồng thời phái người lục soát phủ của hắn, phát hiện 8 thỏi vàng giống hệt giấu trong bếp lò. Trước chứng cứ rõ ràng, Tát Long A nhận tội.
Nhờ nắm rõ thông tin nội bộ của Quân cơ xứ, Tát Long A lợi dụng cơ hội trực ban ngày 19/9/1865 để đến phòng cất giữ kim ấn, ăn trộm khi không có người trông coi. Hắn bỏ lại ngọc tỷ vì biết khó xử lý, kim ấn dễ nung chảy và đúc lại để đem đi tiêu thụ.
Một tuần sau khi gây án, Tát Long A tìm đến một nhân viên quen biết làm việc trong tiệm vàng Vạn Thịnh, nói dối rằng kim ấn là đồ cổ của họ hàng, nhờ nấu chảy và đúc thành vàng thỏi với giá cao.
Chân tướng vụ trộm khiến Tử Cấm Thành dậy sóng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hơn 200 năm của triều đại nhà Thanh, một vị quan lớn đi trộm cắp trong hoàng cung, gây tổn hại uy nghiêm của triều đình. Trước đó, hoàng cung chỉ xảy ra những vụ trộm cắp vặt do thái giám, cung nữ.
Động cơ của Tát Long A khiến nhiều người khó hiểu. Hắn có sự nghiệp thành công, gia thế hiển hách, sao phải mạo hiểm đi ăn trộm dù biết chắc sẽ mất mạng nếu bại lộ?
Trên thực tế, Tát Long A chỉ có cái danh bên ngoài, công việc ở Hình bộ không mang lại tiền bạc. Cuối thời nhà Thanh, quốc khố cạn kiệt, triều đình phải vay nợ nước ngoài để có tiền chi tiêu. Các bộ đều chật vật về kinh phí, thiếu thốn cơ sở vật chất trong thời gian dài. Không kiếm được tiền nhưng Tát Long A lại có thói cờ bạc, dẫn đến bước đường trộm cắp.
Sau khi vụ án được phá, Từ Hy Thái hậu hạ chỉ treo cổ Tát Long A, thi hành án vào cuối thu 1865.
Tuệ Anh (Theo QQ, Chinanews)