Theo cơ quan điều tra, đầu năm 2012, khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, do muốn thâu tóm một số nhà băng về OceanBank, Hà Văn Thắm thỏa thuận với bà Hứa Thị Phấn (cổ đông lớn, đại diện nhóm cổ đông của Ngân hàng Đại Tín) về việc chuyển giao lại Đại Tín.
Ông Thắm bị cáo buộc đã gây sức ép buộc bà Phấn chuyển nhượng cổ phần bằng việc nêu ra những sai phạm trong quá trình quản trị, điều hành của Chủ tịch HĐQT và việc vay vốn của bà này tại Đại Tín.
Ngày 22/2/2012, bà Phấn giao một phó tổng giám đốc của Đại Tín đại diện cho nhóm cổ đông ký hợp đồng kinh tế với ông Thắm để bán gần 255 triệu cổ phần (tương đương gần 85% vốn điều lệ) với tổng giá trị ghi chỉ gần 4,5 tỷ đồng. Hai bên thỏa thuận, ông Thắm kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ và được quyền sở hữu tài sản đảm bảo từ các khoản vay hơn 3.550 tỷ đồng, khoản đầu tư khoảng 920 tỷ đồng và một số nghĩa vụ khác của bà Phấn tại Đại Tín.
Thực hiện hợp đồng, ông Thắm cho người vào quản lý Đại Tín để chuẩn bị thủ tục sáp nhập vào OceanBank nhưng không thanh toán số tiền gần 4,5 tỷ đồng cùng một số điều khoản trong hợp đồng. Ông Thắm sau đó phát hiện Đại Tín có một số khoản vay lớn cùng nợ xấu... nên nảy sinh ý định chuyển nhượng nhà băng này.
Cơ quan điều tra cho rằng, ông Thắm đã đạt được thỏa thuận với ông Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT tập đoàn Thiên Thanh) về việc mua lại Đại Tín. Nếu hoàn tất thủ tục, ông Danh vào tiếp nhận, điều hành Đại Tín và đổi tên được thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng thì Thắm sẽ được nhận tiền công môi giới 800 tỷ đồng.
Lo ngại dư nợ xấu của bà Phấn tại Đại Tín sẽ khiến ngân hàng này bị cơ quan quản lý sáp nhập vào ngân hàng khác, khi đó phi vụ chuyển nhượng không thành công, giữa tháng 11/2012 ba người thống nhất việc ông Thắm sẽ cho ông Danh vay 500 tỷ đồng từ OceanBank để trả nợ việc mua cổ phần của nhóm bà Phấn tại Đại Tín.
Khoản 500 tỷ đồng được núp bằng hợp đồng OceanBank cho Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung (công ty của ông Danh) vay trong khi tài sản đảm bảo không có giá trị pháp lý. Theo cáo buộc, ông Thắm quyết định toàn bộ việc cho vay trái quy định này, đến nay OceanBank không thu hồi lại được tiền.
Thực tế, nhóm bà Phấn cũng không lấy được số tiền 500 tỷ đồng mà dòng tiền lại quay trở về Ngân hàng Xây dựng để xử lý nợ xấu cho khoản vay trước đây của nhóm này.
Theo cơ quan điều tra, trong vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thủ đoạn tinh vi xảy ra tại OceanBank, ông Thắm là người chủ mưu. Ngoài trực tiếp gây thiệt hại 500 tỷ đồng, cựu chủ tịch OceanBank còn ông Thắm chỉ đạo chủ trương chi tiền ngoài lãi suất huy động với khách hàng gửi tiền tại OceanBank, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn tới gần 990 tỷ đồng..
Theo cáo buộc, ông Thắm trong quá trình điều hành OceanBank đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chỉ đạo cấp dưới thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật phục vụ mưu đồ và lợi ích cá nhân. Ông Thắm bị cho rằng đã dùng nhiều thủ đoạn để rút tiền của ngân hàng (tiền của các tổ chức kinh tế, người dân) gửi vào để sử dụng mục đích riêng, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng không có khả năng thu hồi.
Ông Thắm hiện bị đề nghị truy tố về 3 tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Liên quan vụ án, 15/16 bị can còn lại nguyên là tổng giám đốc, phó tổng giám đốc và giám đốc của OceanBank.
Mai Chi