Ngày 28/6, Công ty Dược phẩm Viễn Đông (mã niêm yết tại HOSE là DVD) công bố thông tin đã sở hữu trên một triệu cổ phiếu DHT, tương đương 24,71% vốn điều lệ của Công ty Dược phẩm Hà Tây (niêm yết tại HNX với vốn điều lệ 41,22 tỷ đồng).
Số cổ phiếu này được Dược phẩm Viễn Đông mua trong thời gian 21-23/6, chủ yếu từ chính Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Lê Văn Dũng và trợ lý của ông này là Nguyễn Văn Tuân, theo hình thức thỏa thuận. Hai ông đã mua cổ phiếu của DHT từ trước đó với số lượng lớn (trên 5%). Theo thông báo của HNX, trước ngày 20/6, ông Dũng đã sở hữu 790.800 cổ phiếu tương đương 19,18% vốn điều lệ của DHT, còn ông Tuân là 334.500 cổ phiếu (8,11%).
Trao đổi với VnExpress.net, ông Lê Văn Dũng cho biết ông Tuân và một số cá nhân khác đều dùng tiền của cá nhân ông Dũng để mua DHT, sau đó bán lại cho Dược phẩm Viễn Đông. Tính đến giữa tháng 7, tổng số cổ phần của DHT mà Dược phẩm Viễn Đông và những cá nhân khác liên quan mật thiết với ông Dũng đã mua đã lên tới trên 60% công ty này.
Chủ tích DVD khẳng định ông không thu lợi từ việc bán lại cổ phiếu cho công ty. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Trước khi có sự kiện Dược phẩm Viễn Đông mua hơn 60% DHT thông qua cá nhân ông Dũng, những vụ thâu tóm doanh nghiệp tương tự đã xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam như Công ty thủy sản Hùng Vương mua Agifish, Kinh Đô mua Tribeco.
Các kỹ thuật cũng được tiến hành tương tự, một số cá nhân âm thầm thu gom cổ phiếu của doanh nghiệp mục tiêu và bán lại cho đơn vị có ý định thâu tóm. Khi tổ chức thâu tóm công khai kế hoạch thì thực chất thương vụ mua cổ phiếu chi phối đã hoàn thành trước đó.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, điều khác thường ở chỗ, đích thân Chủ tịch Hội đồng quản trị Dược phẩm Viễn Đông là người đứng tên mua và chỉ đạo những người khác mua cùng. Ông Lê Văn Dũng cho biết vào thời điểm ban đầu là cá nhân ông này mua DHT thử nghiệm và sau đó mới xin ý kiến Hội đồng quản trị về việc thâu tóm.
Đáng chú ý, khi xin ý kiến Hội đồng quản trị về việc mua cổ phần chi phối của DHT, ông Dũng cùng những người có liên quan cam kết sẽ bán lại cho Dược phẩm Viễn Đông bằng đúng giá trung bình đã mua. Tuy nhiên, vào thời điểm ông Dũng và những người liên quan mua DHT, giá trung bình của cổ phiếu này là 38.000 đồng. Nhưng đến thời điểm ông Dũng bán lại cho Dược phẩm Viễn Đông, giá DHT trên sàn dao động từ 47.400 đến 53.600 đồng.
Theo quy định giao dịch đối với một cổ phiếu đã niêm yết, giá mua bán sẽ không thể thấp dưới mức giá sàn trong phiên giao dịch. Vì thế, giá DHT mà Dược phẩm Viễn Đông mua từ ông Dũng và người có liên quan, về nguyên tắc sẽ luôn cao hơn nhiều so với mức giá 38.000 đồng.
Ông Dũng xác nhận giữa mình và công ty có hợp đồng dân sự, cam kết bán DHT bằng giá 38.000 đồng. “Mục đích mua, bán của chúng tôi không phải để kiếm lời”, ông khẳng định.
Tuy nhiên, các chuyên gia về chứng khoán đều cho biết, việc bán cổ phiếu niêm yết với giá dưới sàn không thể thực hiện được. Dược phẩm Viễn Đông vẫn phải trả số tiền tối thiểu cho ông Dũng và người có liên quan bằng giá sàn. Còn việc ông Dũng hoàn lại cho Dược phẩm Viễn Đông số tiền chênh lệch so với giá bán cam kết như thế nào thì phải theo một cách thức khác.
Về phía Công ty Dược Hà Tây, trước nguy cơ bị thâu tóm, Hội đồng quản trị doanh nghiệp này đã đăng ký với HNX được mua 400.000 cổ phiếu quỹ (tương đương 9,7% vốn điều lệ) kể từ 28/6/2010. Các công ty thường mua cổ phiếu quỹ khi giá tụt dốc còn DHT định thực hiện khi giá đang tăng chóng mặt từ 34.000 lên trên 60.000 đồng.
Tuy nhiên, việc mua cổ phiếu quỹ không thể tiến hành bởi Dược phẩm Viễn Đông phản đối với tư cách cổ đông lớn viện lý do việc mua cổ phiếu quỹ vào thời điểm giá cổ phiếu đang tăng sẽ gây thiệt hại cho công ty. DHT sau đó đã rút lại đăng ký này.
Đến ngày 1/7, trong một nỗ lực cuối cùng nhằm tránh khả năng bị thâu tóm, DHT ra thông báo tổ chức đại hội cổ đông bất thường nhằm thông qua phương án tăng vốn điều lệ với tỷ lệ cực “khủng” – phát hành thêm 7,9 triệu cổ phiếu mới (gần gấp đôi số cổ phiếu đang lưu hành). Tuy nhiên, nỗ lực này đã bất thành vì vấp phải phản đối từ phía các cổ đông lớn liên quan đến Dược phẩm Viễn Đông và ông Dũng.
Trả lời về kế hoạch tiếp theo với DHT, ông Lê Văn Dũng cho biết, việc thâu tóm một doanh nghiệp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự cho phép của Ủy ban Chứng khoán, của Sở Hà Nội và Hội đồng quản trị công ty mục tiêu. “Đây là một quá trình rất dài. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng sẽ đạt được mục tiêu đề ra. Trước mắt, chúng tôi muốn làm tốt vai trò một cổ đông lớn, giúp DHT phát triển”, ông Dũng nói.
Nhật Minh – Hoàng Ly