Chương trình tối 3/12, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, không có MC, ca sĩ tự dẫn dắt khán giả vào miền âm nhạc của anh. Anh chọn loạt nhạc phẩm gợi nhớ những hình ảnh quen thuộc như Hồ Gươm, Tháp Rùa, phố cũ, hàng cây xanh. Anh hát hào sảng, tình cảm bài Truyền thuyết Hồ Gươm (Hoàng Phúc Thắng) và Tình yêu Hà Nội (Hoàng Vân). Với Một Hà Nội và tôi (Lê Vinh), Hà Nội ngày chia xa (Hữu Xuân - Lê Kim Thanh), Hà Nội ngày ấy (Trần Tiến), Nỗi nhớ mùa đông, Em ơi, Hà Nội phố (Phú Quang), ca sĩ hát như thủ thỉ.
Anh nói: "Tôi phải hát sao để người nghe không cảm thấy mệt, quá nặng nề về kỹ thuật, làm sao để gieo vào lòng khán giả những cảm xúc khác nhau". Trong tiết trời chỉ hơn 10 độ C, giọng hát nam ca sĩ như sưởi ấm trái tim khán giả.
Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An nhưng Vũ Thắng Lợi có bố là nhiếp ảnh gia, người gốc Hàng Khay (Hà Nội). Anh tâm sự luôn dành tình cảm đặc biệt cho thành phố, nơi chứng kiến nhiều mốc quan trọng trong cuộc đời anh: Lập nghiệp, kết hôn. Lần đầu tự dẫn chương trình, cách nói chuyện giản dị, mộc mạc của anh tạo thiện cảm. Trong tiết mục Sẽ về Thủ đô (Huy Du), anh mời vợ lên sân khấu khiêu vũ cùng để tri ân cô. Cả hai nhảy còn lúng túng nhưng được khán giả liên tục cổ vũ.
Ngoài Vũ Thắng Lợi, hai khách mời Mỹ Linh, Tấn Minh tạo điểm nhấn cho đêm nhạc. Hai giọng ca nam hát sôi nổi bài Trở về (Dương Thụ). Kết hợp với Mỹ Linh, Vũ Thắng Lợi thể hiện cảm xúc trìu mến, tươi sáng qua bài Trời Hà Nội xanh (Văn Ký). Tiết mục Ngẫu hứng sông Hồng (Trần Tiến) của ba ca sĩ tạo không khí rộn ràng, khiến khán giả liên tục vỗ tay.
Các phần trình diễn trong đêm nhạc không dàn dựng sân khấu cầu kỳ, ghi điểm chủ yếu qua tiếng hát của ca sĩ và phần phối khí tròn trịa của nhạc sĩ Hồng Kiên. Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nhận xét từ những cảm xúc cá nhân, Vũ Thắng Lợi đã khiến khán giả tự cảm nhận được một Hà Nội của mỗi người. Chương trình là cuộc đối thoại giữa giọng hát Vũ Thắng Lợi và dàn nhạc giao hưởng, khắc họa nên một Hà Nội không lộng lẫy mà giản dị, thanh nhã.
Ông đánh giá cao phần biên tập âm nhạc khi tạo ra mạch cảm xúc xuyên suốt. Theo ông, nhiều ca khúc được chọn không hề có chữ Hà Nội nhưng tạo ra không khí đậm chất Hà thành, điển hình như bài Sẽ về thủ đô của Huy Du hay Ngày về của Hoàng Giáp. Ngoài ra, ông thích việc ca sĩ trang trí không gian sảnh đón khách của địa điểm bằng các bức tranh về Hà Nội, do họa sĩ Lê Thiết Cương tuyển chọn. "Vũ Thắng Lợi đã dẫn dắt mọi người đến miền âm nhạc của mình trong tâm thế thư thái", nhạc sĩ Thụy Kha nói. Đêm nhạc Hà Nội riêng tôi nằm trong dự án mới của nam ca sĩ, bên cạnh đĩa than cùng tên phát hành giữa tháng 11.
Vũ Thắng Lợi sinh năm 1985, chủ yếu hát dòng nhạc đỏ, thính phòng. Anh tốt nghiệp hệ cao đẳng tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, công tác tại Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2. Ca sĩ được biết đến với giải á quân dòng nhạc thính phòng tại Sao Mai năm 2011. Năm 2014, anh ra album Tình ca, gồm 9 bài hát thuộc hàng mẫu mực trong kho tàng âm nhạc cách mạng, được giới chuyên môn đánh giá cao.
Hà Thu