Sự sợ hãi là căn nguyên theo cách lý giải mà tác giả Phương Mai đề cập ở bài "Những cái tát" về vụ cô giáo ở Quảng Bình trừng phạt học sinh bằng cách ra lệnh cho cả lớp mỗi người tát bạn 10 cái. Nhưng chúng ta còn những cách tiếp cận khác để nhìn nhận và đánh giá vấn đề này.
Thứ nhất: Mấu chốt đầu tiên trong vụ việc này cần đặt vấn đề vì sao có hiện tượng chửi thề ở các em học sinh? Các em có thể bắt chước từ bạn bè, thậm chí ngay từ người nhà mình. Ở tuổi 11-12, các em chưa thể nhận thức được đầy đủ mức độ nghiêm trọng những lời "xấu xí" mà mình phát ngôn. Sự bắt chước vô thức đó là lời nhắc nhở cho chính những người lớn về hành vi của mình tác động đến con trẻ ra sao.
Thứ hai: Ngoài nỗi sợ, ngoài tâm lý số đông, còn lý do gì khác lý giải cả lớp đều nghe theo lời cô giáo ở tình huống này? Có chăng tình huống một bộ phận các em thấy nó "vô lý" (sao phải đánh bạn, bạn đâu có xúc phạm mình?), "khước từ" yêu cầu của cô giáo? Tư duy độc lập, phản biện cá nhân trong tình huống này đã vắng bóng hoàn toàn. Chừng nào còn quan niệm trẻ chăm chăm nghe ba mẹ, thầy cô mới là ngoan; lối học truyền thụ một chiều còn duy trì... thì không thể có tư duy cá nhân và tính phản biện.
Thứ ba: Giới hạn nào trong các tình huống sư phạm để các thầy cô không đi quá ngưỡng xúc phạm thân thể con trẻ? Nên chăng, trước những hành vi cần uốn nắn ở con trẻ, các thầy cô nên gặp riêng các con. Sự tôn trọng, lắng nghe, dùng lý lẽ, tình cảm phân tích cho các trẻ có thể không phải "liều thuốc trị bách bệnh", nhưng chắc chắn sẽ làm nên sự thấu hiểu, chất chứa sức nặng hơn bất cứ đòn roi và trừng phạt nào.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây