Một chiếc xe taxi chạy quá tốc lực đâm vào một người phụ nữ đang qua đường, làm cô này bắn tung lên, rồi rơi xuống, nằm trên mặt đất, Shanghaiist đăng video vụ tai nạn xảy ra vào ngày 21/4 ở một ngã tư tại thành phố Trú Mã Điếm, tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc.
Hàng chục người đi đường thản nhiên bước qua hoặc thờ ơ đứng nhìn như thể nạn nhân không hề tồn tại. Chừng một phút sau đó, một chiếc xe SUV phóng qua và cán lên người phụ nữ một lần nữa. Cảnh sát cho biết nạn nhân đã thiệt mạng.
Tuần qua, hình ảnh thu thập từ camera giám sát này đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội Trung Quốc, thu hút hơn 30 triệu lượt xem. Phản ứng đầu tiên của dư luận là căm phẫn với hơn 40 người đi bộ và lái xe, dù chỉ cách người phụ nữ xấu số vài mét, không ai dừng giúp đỡ. Sau đó, video dài 94 giây đã làm dấy lên tranh luận dữ dội về tình trạng suy đồi đạo đức trong xã hội Trung Quốc.
Nhiều người Trung Quốc nói rằng họ không muốn giúp người gặp tai nạn trên đường phố vì lo sợ bị lừa sau khi nghe các câu chuyện về những kẻ giả thương tích rồi đòi bồi thường.
"Nếu mọi việc chỉ dừng lại ở người tài xế đầu tiên bỏ mặc nạn nhân thì đây chỉ là một vụ gây tai nạn giao thông đâm người rồi bỏ chạy", luật sư Zhang Xuebing, từng giảng dạy luật tại trường đại học Luật và Khoa học Chính trị ở Thượng Hải, nhận xét, "nhưng chính việc nhiều người đi đường thờ ơ đứng nhìn mới làm nổ ra tranh cãi".
"Vấn đề không phải là những người đi đường đó mà xã hội này máu lạnh", một người tên Zhuwu bình luận trên mạng xã hội Weibo.
Người dân Trung Quốc bày tỏ sự bất mãn về tình trạng xã hội không còn biết phân biệt phải trái.
"Ở phương Tây, luật pháp, niềm tin và đạo đức là ba trụ cột của xã hội. Trong khi đó, sau khi chuyển đổi từ xã hội truyền thống tập thể sang (xã hội kiểu mới), hệ thống luật pháp của chúng ta đang phát triển để bắt kịp nhưng lại không có (sự hỗ trợ của) niềm tin tôn giáo hay một hệ thống đạo đức mới", nhà xã hội học Ma Ai, tại trường đại học Luật và Khoa học Chính trị, giải thích.
Dư luận lấy ví dụ về tình trạng nhiều người bất chấp đạo đức sẵn sàng làm bậy như các nhà sản xuất bán sữa trẻ em nhiễm chì, nhà hàng chiên đồ ăn bằng dầu tái chế từ dầu thải loại, chợ bán trứng giả.
"Giống như ô nhiễm không khí, chúng ta đang chứng kiến nạn tham nhũng tràn lan, trẻ em bị bỏ rơi, các vụ bê bối y tế và còn nhiều vụ tương tự như thế nữa", một bài báo trên thời báo kinh tế Thành Đô viết, "Tương lai chúng ta sẽ ra sao, bạn có tự tin về (các giá trị đạo đức) không? Đừng hỏi tôi bởi vì câu trả lời của tôi là không".
"Đạo đức của chúng ta nay xuống quá thấp. Thành thật mà nói, tôi cũng không biết là chính cá nhân tôi có dừng lại giúp thiếu nữ kia hay không", Tian You, một tiểu thuyết gia ở Thẩm Quyến, chia sẻ.
Theo kết quả một cuộc khảo sát trên các phương tiện thông tin đại chúng năm 2014, người Trung Quốc coi "việc thiếu niềm tin và đạo đức" là vấn đề xã hội lớn nhất, sau đó là "sự bàng quan và ích kỷ".
Trong một động thái mới đây, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Trung Quốc đưa vấn đề này lên mạng Weibo, kêu gọi 5 triệu đoàn viên hãy chấm dứt tình trạng "vô cảm". Các cơ quan truyền thông khác của nhà nước Trung Quốc kêu gọi dân chúng hãy suy nghiệm về vụ tai nạn thảm khốc này.
An Hồng