Ngày 30/9, ông Alejandro Arcos tuyên thệ nhậm chức Thị trưởng thành phố Chilpancingo, thủ phủ bang Guerrero ở tây nam Mexico, vốn là địa bàn hoạt động, tranh giành của hàng chục băng đảng nguy hiểm. Ông tuyên thệ một ngày trước khi nữ Tổng thống đầu tiên của Mexico, bà Claudia Sheinbaum, bắt đầu nhiệm kỳ.
Chưa đầy một tuần sau, Tổng thống Sheinbaum xác nhận tân Thị trưởng 43 tuổi có chủ trương chống bạo lực băng đảng của Chilpancingo đã bị sát hại.
Những bức ảnh chụp thi thể không toàn vẹn trên xe bán tải của ông Arcos lan truyền trên mạng xã hội, gây rúng động và phẫn nộ trong dư luận. Người dân Chilpancingo chia sẻ video cuộc phóng vấn cuối cùng của ông Arcos, trong đó tân Thị trưởng nói rằng ông muốn được nhớ đến như một nhà đấu tranh vì hạnh phúc, hòa bình.
"Tôi sống ở đây cả đời, và muốn ra đi tại chính nơi đây. Nhưng tôi muốn chết khi chiến đấu vì thành phố của mình", ông Arcos nói trong video.
Sự ra đi của Arcos cũng làm rung chuyển chính trường Mexico. Alejandro Moreno, chủ tịch đảng Cách mạng Thể chế (PRI), gọi vụ ám sát là "hành động khủng bố đáng ghê tởm".
Ricardo Anaya, thượng nghị sĩ đối lập, chỉ ra tình hình an ninh đáng lo ngại ở Mexico vì bạo lực băng đảng. Kể từ khi cựu tổng thống Felipe Calderon huy động quân đội tuyên chiến với các băng đảng năm 2006, hơn 450.000 người đã bị sát hại, hàng chục nghìn người mất tích.
Vụ ám sát Arcos xảy ra sau khi hai đồng minh thân cận của ông bị giết hại. Đó là Francisco Tapia, tân thư ký hội đồng thành phố, bị bắn chết ngày 3/10, và Ulises Hernandez Martinez, cựu chỉ huy cảnh sát đặc nhiệm có khả năng trở thành giám đốc an ninh, bị bắn vào đêm trước khi Arcos tuyên thệ nhậm chức.
"Việc tân Thị trưởng của thành phố quan trọng như vậy chết không toàn thây khiến chúng ta phải rùng mình. Cần phải làm gì đó để đảm bảo điều này không xảy ra nữa", ông Anaya nói, kêu gọi thay đổi lập tức chính sách an ninh.
Theo giới quan sát, vụ ám sát Arcos là lời nhắc nhở về tình trạng bạo lực băng đảng từ lâu vượt ngoài tầm kiểm soát ở quốc gia Mỹ Latin.
Tổng thống Sheinbaum cho hay giới chức "đang tiến hành mọi cuộc điều tra cần thiết". Lãnh đạo này khi tranh cử đã cam kết duy trì chiến lược xử lý tội phạm từ gốc rễ, với phương châm "trao nhau cái ôm thay vì những viên đạn".
"Mexico sẽ không quay lại với chiến lược dùng bạo lực chống băng đảng của cựu tổng thống Calderon, vốn gây rất nhiều tổn hại cho quốc gia. Chúng tôi tin an ninh và hòa bình là thành quả của công lý", bà nói.
Chiến dịch chống băng đảng của quân đội Mexico do ông Calderon phát động từ năm 2006 khiến nhiều ông trùm bị bắt, song các băng lớn phân rã thành các nhóm nhỏ, tranh giành địa bàn đẫm máu hơn.
Cựu tổng thống Andres Munuel Lopez Obrador, lãnh đạo tiền nhiệm của bà Sheinbaum, là người đầu tiên triển khai chiến lược "trao nhau cái ôm thay vì những viên đạn". Ông chủ trương không đối đầu với các băng đảng, mà kêu gọi các băng nhóm tội phạm này không gây bạo lực.
Dù ông Obrador tuyên bố giai đoạn cuối nhiệm kỳ của mình đã giúp tỷ lệ giết người ở Mexico giảm nhẹ, các nhà phân tích an ninh đều nhất trí rằng những nỗ lực ổn định quốc gia của ông đã thất bại.
Năm 2023, Mexico ghi nhận hơn 30.000 vụ giết người, tỷ lệ là 24/100.000 dân, cao gấp 4 lần Mỹ. 11 trong 50 thành phố ghi nhận nhiều vụ giết người nhất thế giới là ở Mexico, so với chỉ ba thành phố năm 2015.
Thành phố Chilpancingo là một trong số đó. Thủ phủ bang Guerrero hiện được xem là một trong những nơi nguy hiểm nhất cả nước, là điểm nóng của hoạt động tống tiền, sản xuất, trung chuyển ma túy xuyên quốc gia, kèm nạn tham nhũng.
Trước áp lực của dư luận sau vụ sát hại ông Arcos, Tổng thống Sheinbaum ngày 8/10 công bố kế hoạch an ninh chống bạo lực băng đảng mới do Bộ trưởng An ninh Omar Garcia Harfuch phụ trách.
Ông Harfuch là người có nhiều kinh nghiệm đối phó với tội phạm có tổ chức. Năm 2020, ông thoát chết sau khi bị các sát thủ đã phục kích, bắn hơn 400 phát súng trường và súng phóng lựu vào xe chở ông trên phố.
Theo kế hoạch mới, Mexico sẽ tăng cường hoạt động tình báo, điều tra để đối phó với tội phạm băng đảng. "Chúng tôi sẽ tiếp tục từ chiến lược mà tổng thống Obrador đã đề ra, ưu tiên chú ý tới những gia đình nghèo nhất", Harfuch nói.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng trọng tâm của kế hoạch vẫn theo phương châm "trao nhau cái ôm thay vì những viên đạn", ưu tiên giảm nghèo, phát triển các chương trình xã hội, thay vì quyết liệt đối phó băng đảng.
"Kế hoạch mới trông như kế hoạch cũ", Mike Vigil, cựu quan chức Cơ quan Phòng chống Ma túy Mỹ (DEA), nhận xét. "Mexico vẫn sẽ tiếp tục quân sự hóa hoạt động trị an, cũng như duy trì các chương trình xã hội để tìm cách ngăn người trẻ gia nhập các băng đảng", chuyên gia phân tích an ninh Mexico David Saucedo bình luận.
Quốc hội Mexico đã chuyển giao Lực lượng Vệ binh Quốc gia (GN) cho Bộ Quốc phòng kiểm soát trong những tuần cuối của nhiệm kỳ tổng thống Obrador. Lực lượng 120.000 người này do ông Obrador thành lập, ban đầu được cho là đơn vị dân sự, nhưng phần lớn thành viên được tuyển mộ, huấn luyện từ quân đội.
Bất cập của chính sách quân sự hóa hoạt động trị an được thể hiện rõ ở các thành phố và thị trấn ngoại ô, nơi các thành viên GN tuần tra, lập chốt an ninh, nhưng ít khi bắt người hay tiến hành điều tra như cảnh sát.
Trên thực tế, dân địa phương cho biết lực lượng vệ binh thường từ chối rời căn cứ cho đến khi nhận lệnh từ sở chỉ huy, ngay cả khi tội phạm hoành hành bên ngoài. Phần lớn lực lượng vệ binh cũng đang tập trung đối phó người di cư đến Mỹ, thay vì phòng chống tội phạm.
Khi Tổng thống Sheinbaum công bố kế hoạch an ninh ngày 8/10, ông Harfuch nói GN sẽ hoạt động giống lực lượng cảnh sát hơn, dù các thành viên của họ chưa được đào tạo, huấn luyện bài bản về nghiệp vụ an ninh.
Ông cam kết thành lập học viện an ninh quốc gia để huấn luyện lực lượng này, đồng thời lập một văn phòng tổng hợp thông tin tình báo về các băng đảng.
"Cần biến thông tin tình báo chúng ta thu thập được thành những cuộc điều tra chống băng đảng", ông Harfuch nói.
Đức Trung (Theo Guardian, AP, Diario de Morelia)